Phong cách "Tân Trung Hoa" - Xu hướng thời trang mới kết hợp giữa trang phục cổ điển và thường phục đang trở nên thịnh hành ở Trung Quốc, làn sóng này được thúc đẩy bởi sự tự tin gắn bó ngày càng lớn của giới trẻ với đất nước của họ.
Trong các dịp lễ Tết Nguyên đán, khu phố Đông Nam Kinh ở Thượng Hải nhộn nhịp khách du lịch, trong đó có một số phụ nữ diện chiếc váy truyền thống gọi là "mã diện quần". Trang phục dài, có nếp gấp, có từ thời nhà Tống, Minh, Thanh kéo dài từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 20, được quấn quanh eo với nhiều họa tiết trang trí gần viền.
Tại một trung tâm mua sắm ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, váy mã diện quần được bán với giá từ 300 đến 600 nhân dân tệ (41,50 đến 83 USD). Một gian trưng bày có chiếc váy đi kèm với áo dài phù hợp.
Sự phổ biến của trang phục truyền thống bắt đầu tăng lên trong giới phụ nữ trẻ vào năm ngoái. Trên Taobao, một nền tảng mua sắm trực tuyến do Alibaba Group Holding điều hành, hơn 730.000 chiếc váy mã diện quần đã được bán ra trong Ngày Độc thân 11/11 năm ngoái.
Dữ liệu về thương mại điện tử của Trung Quốc do Nint có trụ sở tại Tokyo tổng hợp vào tháng 2/2024 cho thấy giá trị bán hàng quần áo nữ có từ "váy mã diện" đạt gần 200 triệu nhân dân tệ trong hai tháng trước Tết Nguyên đán, tăng gấp hơn chín lần so với cùng thời kỳ một năm trước đó.
Chiếc váy cổ điển này là một phần của phong cách tân Trung Hoa, được gọi là "tân trung thức". Những người trẻ yêu thích xu hướng này kết hợp áo khoác được làm từ vải dệt với hoa văn truyền thống và các món đồ lấy cảm hứng từ lịch sử khác với những trang phục thường ngày như áo len và quần jean.
Theo Nint, doanh số bán hàng trực tuyến các mặt hàng có từ "váy mã diện" đã đạt mức 700 triệu nhân dân tệ, tăng hơn sáu lần so với năm trước. Những người có tầm ảnh hưởng đăng ảnh trang phục theo phong cách tân Trung Hoa trên ứng dụng chia sẻ video Douyin và nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, thường được gọi là Instagram phiên bản Trung Quốc. Sự bùng nổ này cũng đã lan sang cả ngành thực phẩm và trang trí nội thất.
Xu hướng "váy mã diện" nối tiếp sự bùng nổ trước đó về trang phục truyền thống của người dân tộc đa số Hán. Khách du lịch trẻ mặc trang phục "Hàn phục" thuê thường được nhìn thấy chụp ảnh tự sướng tại các khu vườn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và các địa điểm tham quan khác.
Tập đoàn tư vấn iResearch của Trung Quốc ước tính thị trường "Hán phục" trị giá 13 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 40% so với năm 2019. Thị trường tiếp tục được mở rộng, được thúc đẩy bởi nhu cầu của phụ nữ trẻ.
Đằng sau sự phổ biến của trang phục cổ điển là sự nhiệt tình ngày càng tăng đối với “guo chao” (quốc triều), một xu hướng “Trung Hoa sang trọng” tập trung vào văn hóa truyền thống. Thanh niên Trung Quốc yêu nước và tự tin hơn nhờ chương trình giáo dục chủ nghĩa dân tộc được đẩy mạnh kể từ thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, người lên nắm quyền sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Khi hãng thời trang Pháp Christian Dior ra mắt chiếc váy xếp ly vào năm 2022, người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đã phàn nàn rằng nó giống với mã diện quần và cáo buộc thương hiệu xa xỉ Pháp chiếm đoạt văn hóa. Người biểu tình Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Pháp.
Một báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc được trình bày tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 3 cho biết chính phủ sẽ "thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng tiêu dùng mới, chẳng hạn như các thương hiệu nội địa có các yếu tố thiết kế của Trung Quốc". Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục đà phát triển nhờ sự hậu thuẫn của chính quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.