Thống chế phát xít Đức đầu hàng Hồng quân để cứu 91.000 binh lính là ai?

Nguyễn Hoàng Thứ sáu, ngày 07/05/2021 20:31 PM (GMT+7)
Dù Hitler ra lệnh tử thủ, Thống chế Friedrich Paulus quyết định đầu hàng Hồng quân để khỏi phung phí sinh mạng binh sĩ thuộc quyền một cách vô ích.
Bình luận 0

Friedrich Paulus là sĩ quan cấp cao của quân đội Đức Quốc xã, chỉ huy lực lượng Đức tấn công thành phố Stalingrad của Liên Xô. Ông cũng chính là người đã chống lệnh trùm phát xít Adolf Hitler, trở thành Thống chế đầu tiên trong lịch sử Đức đầu hàng để cứu sống hàng chục nghìn binh sĩ khỏi phí mạng vô ích.

Thống chế phát xít Đức đầu hàng Hồng quân để cứu 91.000 binh lính là ai? - Ảnh 1.

Thống chế quân đội Đức Quốc xã Friedrich Paulus. Ảnh: History

Friedrich Paulus sinh năm 1890, từng phục vụ trong quân đội Đức vào Thế chiến I, chiến đấu ở cả hai mặt trận phía đông và tây Rumania trên cương vị sĩ quan tham mưu. Ông sau đó trở thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải cơ giới số 3, nòng cốt để xây dựng Tiểu đoàn trinh sát cơ giới đầu tiên của Đức với tên gọi Panzer.

Nhờ khả năng chỉ huy tài tình trong các cuộc tấn công bằng bộ binh cơ giới, Paulus tạo dựng được tên tuổi và được tướng Walter von Reichenau, tư lệnh lực lượng vũ trang trong Bộ Chiến tranh Đức, đề bạt hàm thiếu tướng vào năm 1939, khi Thế chiến II nổ ra. Ông sau đó được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Tập đoàn quân số 10 của tướng Reichenau, lực lượng chủ lực tấn công Ba Lan.

Tháng 9/1940, Paulus được khen thưởng và thăng hàm trung tướng, phụ trách công tác huấn luyện và tổ chức toàn quân. Trên cương vị này, Paulus tham gia quá trình lên kế hoạch cho chiến dịch xâm lược Liên Xô.

Trận chiến sinh tử

Cuối năm 1941, Hitler bổ nhiệm tướng Paulus làm chỉ huy Tập đoàn quân VI, mũi tấn công chính trong chiến dịch đánh chiếm Stalingrad. Đến tháng 8/1942, tập đoàn quân này tiến đến sông Volga, ngoại ô phía bắc Stalingrad. 

Trong ba tháng tiếp theo, Hồng quân Liên Xô kháng cự quyết liệt, gây thiệt hại nặng nề cho Tập đoàn quân số 6 Đức, nhưng tướng Paulus vẫn hy vọng sẽ chiếm được hoàn toàn Stalingrad vào đầu tháng 11.

Tuy nhiên, cùng với quá trình tiến quân, lực lượng Đức ngày càng bị kéo giãn đội hình, không có đủ nguồn lực để đảm bảo cho phòng tuyến trải dài. Sườn Bắc của Tập đoàn quân VI bị kéo dài hơn 560 km dọc phòng tuyến sông Đông từ Stalingrad đến Voronez.

Tập đoàn quân của Paulus bị Hồng quân đánh bao vây, chia cắt, buộc phải cố thủ trong thành phố Stalingrad, chờ Tập đoàn quân Thiết giáp IV đang tiến lên từ phía tây nam để giải cứu.

Tập đoàn quân Thiết giáp IV đã đánh xuyên qua lực lượng Hồng quân Liên Xô ở ngoại vi Stalingrad, có lúc chỉ còn cách trận địa cố thủ của Tập đoàn quân VI do Paulus chỉ huy chỉ khoảng 50 km.

Nhiều tướng lĩnh Đức đề nghị Hitler cho phép Paulus bỏ Stalingrad, đánh lên hướng tây để hội quân với Tập đoàn quân Thiết giáp IV và rút lui nhằm bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, trùm phát xít quyết không đồng ý, ra lệnh Paulus phải cố thủ ở Stalingrad.

Tập đoàn quân Thiết giáp IV không đủ sức để tiến nốt 50 km cuối cùng, buộc phải rút lui. Chiến dịch giải cứu bất thành, Tập đoàn quân VI của Paulus bị chia cắt thành ba phần, kẹt lại bên trong Stalingrad. Đội quân 285.000 người của ông chỉ còn khoảng 91.000 người còn đủ sức chiến đấu sau một thời gian ngắn giao tranh ở Stalingrad.

Ngày 24/1/1943, Hồng quân gửi tối hậu thư, yêu cầu Tập đoàn quân VI đầu hàng. Paulus gửi điện cho Hitler, thông báo binh sĩ dưới quyền không còn thực phẩm và đạn dược. "Tiếp tục phòng thủ là vô nghĩa, sụp đổ là không tránh khỏi. Xin phép được đầu hàng để cứu số binh sĩ còn lại", bức điện của Paulus có đoạn.

Nhưng Hitler quyết không chấp nhận để Paulus đầu hàng, ra lệnh cho ông "chiến đấu đến người cuối cùng, viên đạn cuối cùng". Đến ngày 30/1, Paulus gửi tiếp một bức điện, tuyên bố tập đoàn quân của ông sẽ sụp đổ trong vòng 24 giờ.

Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Tối cao Đức quyết định thăng thưởng qua sóng vô tuyến cho một loạt sĩ quan Đức trong tập đoàn quân, riêng Paulus được phong hàm Thống chế vào ngày 30/1.

"Lịch sử quân sự chưa từng ghi nhận Thống chế Đức nào đã bị bắt làm tù binh", Hitler tuyên bố trong điện phong hàm, nhằm buộc Paulus phải chiến đấu đến chết.

Một ngày sau khi được phong hàm Thống chế, Paulus gửi bức điện cuối cùng về tổng hành dinh, cho biết lực lượng của ông đã "giữ vững vị trí đến người cuối cùng". Nhưng trên thực tế, các binh sĩ dưới quyền ông đã không chống cự khi Hồng quân tiến vào sở chỉ huy.

Ngày 1/2, toàn bộ Tập đoàn quân VI dưới sự chỉ huy của Paulus đầu hàng Hồng quân. 91.000 lính Đức thoát khỏi thảm cảnh phí mạng vô ích trong vòng vây và hỏa lực của đối phương.

Từ 1943 đến 1952, Paulus bị giam lỏng tại nhiều nơi ở Liên Xô. Ngày 23/10/1953, trước khi được trao trả về Cộng hòa Dân chủ Đức, Paulus tuyên bố: "Khi tôi đến với các bạn như là một kẻ thù, nay rời khỏi các bạn như là một người bạn".

Paulus qua đời ngày 1/2/1957, đúng 14 năm sau ngày đội quân của ông ở Stalingrad đầu hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem