Thu phí bảo trì đường bộ: Cần lấy ý kiến rộng rãi

Thứ hai, ngày 21/02/2011 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đề án về thu phí bảo trì đường bộ vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải trao đổi với NTNN xung quanh từng phương án.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: Việc đưa ra quy định thu phí bảo trì đường bộ để tăng ngân sách, huy động sự đóng góp của dân, để từ đó bù ngân sách thiếu hụt là điều cần thiết. Hiện nay, ngân sách cấp cho phí bảo trì đường bộ chỉ đủ 50 – 60%. Công tác bảo trì đường bộ rất quan trọng trong việc giữ chất lượng cầu đường. Trong bối cảnh đất nước chưa đủ tiền thì việc người dân đóng góp là điều cần thiết.

 img
 Việc thu phí bảo trì đường bộ cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Trong hai phương án, ông ủng hộ phương án nào?

- Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án, thu trên đầu phương tiện hay là thu qua phí xăng dầu. Nhưng theo tôi, chúng ta cần đặt nguyên tắc để từ đó lựa chọn phương án thu phí hợp lý. Thứ nhất là nguyên tắc công bằng, anh nào dùng đường nhiều thì trả tiền nhiều, anh nào dùng đường ít thì trả tiền ít. Thứ hai, tiền của dân đóng góp vào việc sửa chữa đường phải nhiều hơn chứ không thể vào bộ phận bảo hộ.

Cần tập trung chi phí vào việc bảo dưỡng đường để chất lượng đường được nâng cao. Tiền phải được sử dụng đúng mục đích. Đối chiếu các nguyên tắc đó, thì thấy thu phí qua xăng dầu là hợp lý. Vì đi nhiều thì phải mua xăng dầu nhiều.

Giải quyết ra sao với trường hợp người mua xăng dầu nhưng không đi trên đường bộ, thưa ông?

- Quan điểm của tôi là khó thì Nhà nước mới cần làm, chứ Nhà nước nhận phần dễ, để cái khó cho dân là không được. Tôi nghĩ rằng, để giải quyết việc mua xăng dầu mà không mục đích đi lại trên đường bộ thì vẫn có phương án. Chẳng hạn như cần tổ chức lại hệ thống các cây xăng. Hàng không thì có chuyên ngành, không dùng xăng của đường bộ.

Hàng hải hay việc đánh cá trên sông biển thì có hệ thống cấp bán trên sông rồi, do đó không có phụ phí xăng dầu. Chỉ còn công việc nông nghiệp dùng đến sức người, thì đành phải dùng một ít phụ phí này, Nhà nước chỉ cần cân đối để giải quyết việc này.

Vậy ông giải thích thế nào về việc trên thế giới rất nhiều quốc gia lựa chọn phương án thu qua đầu phương tiện mà chúng ta lại không nên lựa chọn cách đó?

- Tôi cho rằng nhược điểm của phương án thu qua đầu phương tiện là rất dễ dẫn đến tình trạng thất thu bởi với những phương tiện như xe mô tô đã đăng ký và lưu hành rồi, chúng ta sẽ không thu được nữa. Do đó dẫn đến sự không công bằng. Đó là còn chưa kể phải phát sinh bộ máy thu phí, rất cồng kềnh và phức tạp.

Theo ông, nếu sắp tới đây, việc thu phí bảo trì đường bộ được thông qua có là cơ sở để hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp hay không?

- Mục đích của việc thu phí như trên tôi đã nói, đó là để hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, cũng khó để có thể nói rằng, khi có quỹ rồi thì hệ thống đường bộ sẽ được đảm bảo chất lượng tốt vì hiện tại có rất nhiều quỹ được sử dụng không đem lại hiệu quả như mong muốn, thất thoát lớn vẫn xảy ra. Tôi nghĩ rằng vẫn cần phải có sự thanh tra, giám sát chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem