Công việc khiến Feysal Mohamed Ahmed luôn sống trong sợ hãi. Anh là nhân viên thu tiền thuế ở thủ đô Mogadishu của Somali - một thành phố tràn ngập vũ khí và người dân không quen với việc nộp thuế cho chính phủ.
Anh là một trong 6 nhân viên thu thuế của quận Dharkanley. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, Ahmed đều thầm cầu nguyện rồi mới chào tạm biệt vợ và hai con trai nhỏ.
Mỗi lời nguyện cầu, mỗi cái ôm và mỗi câu chào tạm biệt với anh đều có thể là lần cuối cùng. Vì vậy, Ahmed đều cẩn thận dành thời gian thực hiện các nghi thức ấy trước khi ra khỏi nhà và rảo bước trên phố đến chỗ làm việc gần đấy. Đối với Ahmed, mỗi người qua đường đều có thể là một sát thủ chực chờ ra tay tước đoạt tính mạng của anh.
Nhân viên thuế làm việc tại các chợ ở Mogadishu bị sát hại ngày càng nhiều.
“Nhiều đồng nghiệp của tôi đã bị giết. Những người khác may mắn thoát được thì cũng thương tích đầy mình và không thể làm việc được nữa”, người đàn ông 23 tuổi có khuôn mặt trẻ măng mới vào nghề được 2 năm nói.
Trong 3 tháng gần đây, có đến 4 nhân viên thu thuế đã bị giết ở Mogadishu và tính từ năm 2012 đến nay, có ít nhất 25 người bị sát hại. Số nạn nhân thiệt mạng chiếm 19% tổng số nhân viên thu thuế của thành phố.
Không một thủ phạm nào bị bắt giam hoặc bị phạt vì tội giết người. Ahmed chua chát nói khi trở thành nhân viên thu thuế ở Mogadishu, mạng sống chỉ là vay mượn và bị đòi lúc nào không hay.
Lý tưởng cao đẹp
Ahmed đến từng quầy hàng, chào hỏi các thương nhân và bắt tay họ trước khi hỏi thu số tiền thuế hàng ngày tương đương 25 cent. Một nhân viên bảo vệ được trang bị khẩu AK-47 đã lên đạn đi theo anh để ngăn chặn việc một thương nhân nào đó nổi nóng và rút súng kết liễu tính mạng Ahmed.
“Nhiều người không muốn trả số tiền 3.000 shillings (tương đương 25 cent). Họ đã quen với việc không phải trả thuế. Họ có thể nổi nóng bất chợt”. Ahmed vừa dứt lời thì những tràng cười phát ra từ phía các ông chủ gian hàng nghe trộm gần đấy.
Mặc dù nguy hiểm thường trực nhưng Ahmed không có ý định nghỉ việc: “Nhưng mà tôi vẫn làm công việc này vì tôi muốn đất nước tôi tốt đẹp hơn và phát triển hơn. Chúng tôi cần thu thuế để xây dựng đất nước tốt hơn”.
“Tôi tiếp tục để hai con trai có được cuộc sống tốt hơn tôi. Tôi sinh ra sau cuộc nội chiến, không có trường học hoặc bệnh viện. Nhưng tôi đi thu thuế để có tiền xây dựng trường học và bệnh viện”, anh chia sẻ về lý tưởng cao đẹp của mình.
Những người thợ may được nhân viên thu thuế đến “thăm” hằng ngày.
Ahmed sinh sống ở khu chợ gần đó và anh biết hầu hết tên của các thương nhân. Tuy nhiên, anh không bao giờ dám lơ là cảnh giác. May mắn là không phải ông chủ nào cũng tỏ ra bất hợp tác.
Ông Abdi Hamid Ali sở hữu 2 tiệm quần áo và cho biết việc trả tiền thuế hằng ngày không phải là một vấn đề khó khăn với ông.
“Tôi trả 5.000 shillings tiền thuế mỗi ngày. Chúng tôi muốn có trường học, đường xá và bệnh viện. Cách duy nhất để chính quyền xây dựng những thứ đó là tất cả chúng tôi đều nộp tiền thuế”, người đàn ông ngồi trên ghế nhựa trắng gần quầy thu ngân, ngập tràn xung quanh là các bộ quần áo mới đầy màu sắc nhập khẩu từ Dubai tuần trước.
Sự tận tụy và lòng can đảm
Cuối chợ là ông Abdullahi Sheikh Hilowle, một nhân viên thu thuế thích buôn chuyện đang di chuyển giữa các quầy hàng và lối đi lờ mờ với túi nhựa chứa đầy các đồng shillings.
Người đàn ông tóc bạc 50 tuổi cho biết ông làm việc này kể từ thời Siad Barre – nhà độc tài cuối cùng đã thống trị Somalia trong 20 năm cho đến khi bị lật đổ vào năm 1990.
“Các quầy hàng đều phải nộp thuế. Số tiền chúng tôi thu không nhiều và chúng tôi giải thích cho những người không muốn nộp là họ nên làm như thế. Chúng tôi không ép buộc bất kỳ ai phải nộp thuế cả”, Hilowle nói.
Có hơn 250 quầy hàng ở chợ này, tuy nhiên không phải tất cả đều đồng ý nộp thuế. “Chỉ có các quầy hàng của trẻ em mồ côi mới được miễn thuế”, Hilowle cho biết.
Mặc dù công việc cực kỳ nguy hiểm nhưng Hilowle nói ông đã gắn bó thân thuộc với công việc này và ông không sợ hãi.
“Không có điều gì khiến tôi hạnh phúc hơn là được phục vụ đất nước, nhân dân. Tôi không sợ cái chết. Khi thời điểm của tôi đến thì tôi sẽ chấp nhận. Chỉ có Chúa mới quyết định được tôi sẽ chết vào lúc nào và chết ra làm sao”.
Chính quyền vào cuộc
Tuy bận rộn với việc chiến đấu chống lại al-Qaeda liên kết với nhóm phiến quân al-Shabab, nhưng chính phủ đã bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến sự an toàn của các nhân viên thu thuế.
“Chúng tôi cung cấp an ninh cho các nhân viên thu thuế và đào tạo họ. Chúng tôi chưa bảo vệ được tốt tính mạng của họ nhưng chúng tôi quan tâm đến sự an toàn của họ”, đại tá Mohamud Sheegow Adow, người đứng đầu cơ quan thuế và thu nhập của lực lượng cảnh sát Somali cho biết.
Nhân viên thu thuế ở Somali có thể bị sát hại bất cứ lúc nào
“Chúng tôi có 130 nhân viên thu thuế ở Mogadishu và bây giờ họ sẽ không phải ra ngoài mà không có bảo vệ vũ trang đi theo để ngăn chặn các nguy cơ bị tấn công”, ông khẳng định.
Sự vào cuộc chậm trễ
Tuy nhiên, một số nhân viên thu thuế cho biết việc cung cấp lực lượng bảo vệ cho các nhân viên thu thuế gần đây bị chậm trễ.
Trường hợp của góa phụ Khadija Ali 50 tuổi là một ví dụ.
Người chồng Ali Ibrahim Ali 78 tuổi của bà là một nhân viên thu thuế bị những người đàn ông vũ trang bắn trong khi ông đang mải thu thuế và nói chuyện với các thương nhân. Ali được thông báo là chết ngay tại chỗ. Sự việc xảy ra đã được vài tháng và thủ phạm thì không phải chịu một hình phạt nào cả.
“Tôi nhận được cuộc gọi thông báo đến nhận xác của chồng. Chúng tôi không biết tại sao ông ấy lại bị đối xử như thế. Chúng tôi không biết ai đã giết ông ấy”, người đàn bà nói, mắt đỏ lên vì khóc.
"Chúng giết ông ấy vào tháng ăn chay Ramadan và lúc đấy ông ấy cũng đang ăn chay”, giọng người đàn bà góa phụ run rẩy.
Ali, ông ngoại và là cha của sáu người con, là trụ cột duy nhất trong gia đình. Đồng thời, ông cũng là nhân viên thu thuế giàu kinh nghiệm nhất. Bây giờ cả gia đình phải chạy ăn từng bữa.
“Chính phủ chỉ trả tiền thực hiện tang lễ cho ông ấy. Họ đưa cho chúng tôi 250 USD. Chúng tôi sống dựa vào tiền lương của ông ấy. Cháu ngoại cũng trông chờ vào ông ấy”, Khadija nói.
Chi Mai (Theo CNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.