Thông tin này do Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình xác nhận.
"Chiều 1.8, Ban cán sự Đảng của Bộ đã họp và cân nhắc, sau khi nhận được văn bản của VFF về việc giới thiệu các ứng cử viên là lãnh đạo của Bộ", ông Bình cho biết. "Xét thấy bóng đá là trách nhiệm quan trọng của Bộ và cân nhắc nhiều góc độ khác nhau, Ban cán sự thống nhất giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham gia tranh cử vị trí Chủ tịch VFF. Chiều nay, Bộ sẽ làm các thủ tục theo đúng quy định về việc ứng cử, đề cử, giới thiệu lãnh đạo Bộ tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp".
Ông Lê Khánh Hải lần thứ hai được đề cử vào vị trí Chủ tịch VFF. Ảnh: IT.
Bên cạnh ông Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng được các tổ chức thành viên giới thiệu vào danh sách ứng viên ghế Chủ tịch VFF khóa 8 (2018-2022). "Bộ trưởng không ứng cử nhưng vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất, bởi bóng đá là một phần của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch", ông Bình nói thêm. "Từ khi làm Thứ trưởng, anh Hải đã phụ trách chính lĩnh vực thể thao. Nếu trúng cử, chắc chắn anh ấy sẽ có những chiến lược, bước đi phù hợp để giúp bóng đá Việt Nam phát triển tốt nhất".
Người cạnh tranh duy nhất với ông Hải lúc này là ứng viên từ đầu - ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên.
Tại Đại hội khóa 7, ông Hải cũng từng được giới thiệu nhưng xin rút lui. Nhờ đó, ông Lê Hùng Dũng một mình một ngựa và đắc cử. Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua, ghế Chủ tịch VFF gần như bỏ trống, do ông Dũng gặp vấn đề sức khỏe. Điều hành chính là phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Đây là giai đoạn bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu đặc biệt, như việc tất cả đội tuyển đều giành quyền vào vòng chung kết các giải đấu cấp châu lục, thậm chí dự giải thế giới như U20 hoặc futsal... Đỉnh cao là tấm HC bạc của U23 ở giải U23 châu Á.
Tuy nhiên, hồi giữa tháng 7, ông Tuấn quyết định rút lui dù nhận được nhiều phiếu tín nhiệm của các CLB. Ông chỉ tiếp tục tranh cử ghế phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Hôm nay, ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình - cũng tuyên bố rút khỏi cuộc đua, và xin ứng cử vào vị trí phó Chủ tịch phụ trách tài chính.
Về vấn đề này, ông Bình cho rằng: "Anh Cấn Văn Nghĩa là cán bộ của Tổng cục Thể dục Thể thao, nên có được ứng cử ghế phó Chủ tịch VFF hay không là do Tổng cục quyết định. Trường hợp của anh Trần Quốc Tuấn cũng vậy".
Các cuộc đua vào những vị trí chủ chốt ở VFF khiến thượng tầng bóng đá Việt Nam ồn ào gần đây. Bầu Đức không ra ứng cử vẫn phản ứng mạnh về các tiêu chí cũng như danh sách ứng viên, đến mức ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF - phải xin rút, không tham gia tranh cử vị trí phó Chủ tịch VFF. Không lâu sau, đến lượt ông Trần Mạnh Hùng - phó Chủ tịch VPF - từ chức vì lộ đoạn ghi âm đe dọa Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền. Gần nhất là sự ra đi của phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ.
Theo thông tin của VnExpress, Đại hội khóa 8 nhận được tối hậu thư phải diễn ra chậm nhất trong tháng 9. Trước đó, nó dự kiến diễn ra vào tháng 5 rồi liên tục bị lùi lại đến tháng 6 và 7.
Lâm Thỏa (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.