Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại phiên họp Chính phủ kỳ tháng 3/2024 tại trụ sở Chính phủ, sau khi lắng nghe báo cáo của các bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả, thành tích đạt được, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng lớn của bộ máy.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, dù kết quả đạt được là cơ bản, nhưng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.
Thủ tướng nhắc đến "10 mặt được" nổi bật của nền kinh tế trong quý I vừa qua. Đồng thời, ông yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".
Theo Thủ tướng, các sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng.
Trong đó lưu ý, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới cần tiếp tục được theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho rằng trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm.
Về đầu tư công, còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ; nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam đang có nhiều nỗi lo lớn.
Thủ tướng đưa ra 5 bài học, trong đó nhắc đến việc phải tăng cường đoàn kết, nhất trí trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân.
Điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý kịp thời, triển khai nhanh chóng, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành.
Thủ tướng lấy ví dụ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc sử dụng hóa đơn điện tử hiện đã đạt 99,96%, việc này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng thay vì 2 năm như báo cáo của các bộ ngành. Tương tự, dự án đường dây 500 kV mạch 3 chậm trễ nhiều năm nhưng hiện đang cơ bản bảo đảm tiến độ để hoàn thành vào tháng 6/2024. Hai ví dụ này cho thấy cần quyết tâm cao và cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc.
Về tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…). Bên cạnh đó, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở;... và chuẩn bị tốt các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.