Thủ tướng: Đất nước cần nhiều Viettel hơn nữa!

P.V Thứ tư, ngày 27/06/2018 07:31 AM (GMT+7)
Chiều 26.6.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của Tập đoàn. 
Bình luận 0

Đây là lần thứ hai trong 2 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Viettel và 6 tháng sau khi đổi tên từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Lần trước là vào năm 2016, nhân dịp 10 năm Viettel đầu tư quốc tế. Cùng dự buổi làm việc còn có 7 Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Trong cuộc làm việc lần này, Thủ tướng và đoàn công tác Chính Phủ đã trực tiếp thăm và nghe báo cáo về các sản phẩm nghiên cứu công nghệ cao của Viettel.

img

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel đã báo cáo với Thủ tướng về những thành tựu phát triển của Viettel trong lịch sử gần 30 năm của Tập đoàn. Theo đó, Viettel đã liên tục làm bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều thị trường trên thế giới, sở hữu khoảng 100 triệu khách hàng, Viettel đã trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như ngành Công nghiệp Điện tử viễn thông, ngành Công nghiệp Vũ khí công nghệ cao, ngành Công nghiệp An ninh mạng…

img

Theo báo cáo, chỉ riêng hai ngành Công nghiệp Điện tử viễn thông và Công nghiệp Vũ khí công nghệ cao đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được trang bị trong Quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với sẩn phẩm của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội.

Về lĩnh vực dân sự, Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công và đưa vào mạng lưới viễn thông Viettel tại Việt Nam và các thị trường Viettel đầu tư những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đó là thiết bị đầu cuối, mạng truy nhập, mạng lõi và cung cấp dịch vụ như: trạm phát sóng BTS 4G, các loại tổng đài, hệ thống tính cước….

img

Về tác chiến mạng, Viettel đã phát triển giải pháp tường lửa Quốc gia, chặn lọc tin rác, hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7 và vinh dự được Đảng và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ ATTT cho các cơ quan Bộ Ban ngành.

Chủ tịch Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin, mục tiêu của Viettel tới năm 2020 là trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, toàn cầu, hùng mạnh với tăng trưởng 10-15%/năm. Viettel đặt ra chỉ tiêu sẽ đạt doanh thu từ 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

img

Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của Viettel trong việc vươn lên trở thành doanh nghiệp dẫn dắt ngành viễn thông. Viettel là tập đoàn kinh tế quốc phòng lớn nhất, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn, tiên phong trong việc hình thành công nghiệp an ninh mạng ở Việt Nam.

Thủ tướng nói: “Viettel là một ví dụ điển hình của doanh nghiệp Nhà nước nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia, có cán bộ tốt, có cơ chế động lực tốt thì sẽ phát triển tốt. Đất nước cần nhiều Viettel hơn nữa. Chúng ta muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì phải phát triển công nghệ và Viettel là thí dụ điển hình khích lệ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo Thủ tướng, trong sản xuất kinh doanh, muốn đi đường xa, tăng trưởng bền vững thì phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và Viettel đang thực hiện tốt điều này. Một trong những lý do là Viettel đã thu hút và phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ, kỹ sư giỏi. Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nổi tiếng ở nước ngoài đã về tham gia đội ngũ của Viettel.

“Viettel đã minh chứng vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, một doanh nghiệp có khát vọng lớn, mở rộng không ngừng, bắt nhịp cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thủ tướng nhận xét.

img

Bên cạnh thành công, Thủ tướng cũng lưu ý, Viettel không được chủ quan, thỏa mãn mà cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực quản trị Tập đoàn, huy động nhiều nguồn lực trong đó có các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục phát triển công nghiệp viễn thông, khẳng định vị trí dẫn đầu; tập trung sản xuất thành công các dự án, chương trình quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho quân đội mạnh hơn.

Đặc biệt, Viettel cần đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lan toả ra nhiều lĩnh vực, kể cả các sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, nâng cao năng lực chiến đấu, ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công. Thủ tướng cũng lưu ý Viettel trong việc làm chủ công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao. “Đó là yêu cầu của Tổ quốc và nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về cơ cấu tổ chức của tập đoàn, Thủ tướng đề Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng ủng hộ Viettel trong việc xây dựng mô hình tổ chức tập đoàn phẳng, thông minh, cơ chế quản lý hiện đại, hướng tới khách hàng. “Duy trì Viettel lớn và xuất sắc, cần tinh gọn hiệu quả hơn nữa trong hoạt động. Đặt mục tiêu cao để xuất hiện những người tài trong khoa học công nghệ, lấy khó khăn, thách thức làm môi trường để vươn lên”, Thủ tướng lưu ý. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem