Chiều 12.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với TP.HCM xung quanh việc giải ngân vốn cho metro và cơ chế “đặc thù” liên quan đến các dự án thu hồi đất địa trên địa bàn TP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về việc giải ngân vốn cho metro. Ảnh: H.V
Phải dứt điểm vấn đề giải ngân vốn
“Dứt điểm ngay, không bàn cãi qua lại phức tạp thêm. Cái gì tạm ứng, vay vốn thì phải bàn dứt điểm, cái gì Trung ương có trách nhiệm làm rõ hơn… Đây là yêu cầu của người dân TP, để xong tuyến số một còn triển khai để tiếp tục làm tuyến số 2 và các tuyến khác. Tôi hy vọng tuần sau các Bô, ngành chốt tạo điều kiện cho TP có ngồn lực, cơ chế đẩy nhanh tiến độ xây dụng metro. TP.HCM tập trung chỉ đạo hơn nữa để cuối 2020 hoàn thành và năm 2021 đưa vào vận hành chở khách. Tôi nhắc lại một lần nữa, thứ 5 tuần sau phải trình để Thủ tướng ký duyệt”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, tại cuộc họp với Thủ tướng và các Bộ, ngành Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc chậm trễ, không hoàn thành đúng tiến độ của tuyến metro số 1 là do không thống nhất trong giải ngân vốn từ Trung ương.
Theo kế hoạch, vốn trung hạn năm 2016 - 2020 , dự án được bố trí 7.500 tỷ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỷ đồng, số còn lại được bố trí trong năm 2016 - 2017 là 2.709 tỷ đồng. Riêng 2018 - 2019, do vướng mắc nên số vốn còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí là 4.791 tỷ đồng.
Để giải quyết việc thanh toán nợ động cho các nhà thầu nước ngoài, hạn chế phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết, UBND TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng các vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, giao UBND TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. Thứ hai, mong Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền là 2.158,5 tỷ đồng. UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ KH-ĐT bố trí kế hoạch vốn. Trong trường hợp ngân sách trung ương không thể tạm ứng, kiến nghị Thủ tướng cho pháp TP tạm ứng từ ngân sách của TP số tiền nói trên.
Cơ bản ủng hộ cơ chế “đặc thù”
Riêng các kiến nghị về cơ chế “đặc thù”… tôi cho rằng đây là sức sáng tạo, tìm tòi và đề xuất rất mới của TP. Bộ TN-MT cơ bản ủng hộ, các bộ khác cũng vậy. Chính phủ cũng ủng hộ vì nhận thấy đề xuất này không trái với quy định của luật pháp.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho biết cơ bản ủng hộ cơ chế đặc thù mà TP.HCM đề xuất. Ảnh: H.V
“Các Bộ ngành cùng TP.HCM bàn kỹ hơn và trình Thủ tướng ký duyệt để báo cáo ra Quốc hội xem xét. Những vấn đề mang tính cách đột phá, sáng tạo thì cần ủng hộ để TP tháo gỡ các điềm nghẽn, đưa TP phát triển hơn nữa về mọi mặt”, Thủ tướng chia sẻ.
Trước đó, UBND TP.HCM cho biết ngày 9.4 đã làm việc với Bộ TN-MT về dự thảo cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP (gọi tắt là cơ chế đặc thù). Cơ chế này chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của UBND TP, do đó TP báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng chấp thận cho TP những vấn đề cơ bản của cơ chế đặc thù.
Theo đó, TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…; Chấp thuận cho TP được ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư… để áp dụng cho các tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện công khai, minh bạch.
Ngoài ra, TP cũng đề xuất được chủ động trong các vấn đề như: phương pháp tính hệ số giá đất nông nghiệp; Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, tái định cư; phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.