Thủ tướng Nhật bàn gì khi đến Mỹ?

Thứ sáu, ngày 22/02/2013 11:59 AM (GMT+7)
Dân Việt – Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 22.2, hai nhà lãnh đạo Nhật- Mỹ sẽ có cuộc hội đàm quan trọng tại Washington.
Bình luận 0

Theo dự kiến, những vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Tokyo với Bắc Kinh, Seoul và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ là nội dung quan trọng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Shinzo Abe tại Mỹ.

Cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama sẽ chia làm hai phần, phần đầu gồm an ninh khu vực và các vấn đề trên thế giới, phần sau, trong bữa ăn trưa, là các vấn đề kinh tế.

Truyền thông Mỹ đưa tin, trong phần đầu của cuộc hội kiến, các tranh chấp hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông, trong đó có quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, sẽ được đưa ra bàn thảo sâu rộng.

Trước chuyến thăm, trong một cuộc phỏng vấn với báo Washington Post, ông Abe cho biết, cải thiện quan hệ của Tokyo với Washington là mối quan tâm hàng đầu của ông. "Một khi Tokyo đang có những khúc mắc với Bắc Kinh về các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông thì sự ủng hộ của Mỹ là chìa khóa cho những giải quyết thành công", ông Abe chia sẻ.

img
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Mỹ ngày 21.2

“Điều quan trọng là chúng ta phải làm cho họ (Trung Quốc) nhận ra rằng, họ không thế cố gắng để đạt được mục đích theo cách của họ như ép buộc hoặc đe dọa”, ông Abe nhận định. Ông Abe nói thêm rằng, về những lý do đó, một liên minh Nhật- Mỹ, cũng như sự hiện diện của Mỹ sẽ là rất quan trọng.

Những căng thẳng xung quanh đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và việc Bắc Kinh liên tiếp điều tàu đến khu vực này đã nổi lên những phản ứng kịch liệt từ phía Tokyo. Thậm chí, giới chuyên gia cũng lo ngại rằng, việc gia tăng căng thẳng bằng trên biển Hoa Đông có thể biến thành một cuộc đụng độ vũ trang. Hiện nay Nhật Bản đang kiểm soát các đảo này, tuy nhiên cả Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, trong khi đó, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Mỹ không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề này.

Mỹ từng tuyên bố, không đứng về bên nào trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên, Washington lại đặc biệt quan tâm về vấn đề an ninh hàng hải và giải quyết những tranh chấp đó dựa trên luật pháp quốc tế.

Cố vấn hàng đầu về châu Á của ông Obama, ông Danny Russel cho biết rằng, Tổng thống Obama “vẫn còn ủng hộ các nỗ lực hòa bình để tìm ra giải pháp ngoại giao cho vấn đề tranh chấp chủ quyển biển đảo. Và Mỹ rõ ràng phản đối những hành động đơn phương de dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trong cuộc hội đàm, dự kiến vấn đề về CHDCND Triều Tiên cũng được bàn luận kỹ lưỡng. Cho đến nay, cả Mỹ và Nhật Bản trên cơ bản đã thống nhất với nhau các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào ngày 11.2 vừa qua. Riêng Mỹ đang nỗ lực hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt càng sớm càng tốt. Tuần trước, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật cũng đã nói chuyện qua điện thoại về tình hình Triều Tiên, đồng thời hứa hẹn sẽ có “hành động đáng kể” tại Liên hợp quốc, và các biện pháp khác.

Ông Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống cũng cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về các thách thức Bình Nhưỡng đặt ra cho Mỹ và các đồng minh.

Quan hệ kinh tế cũng dự kiến sẽ được vào chương trình nghị sự cho cuộc họp. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về thỏa thuận tự do thương mại giữa các quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Á và Nam Mỹ (TPP)

Nhật Bản đã thảo luận trở thành một phần của TPP trong những năm qua, tuy nhiên nông dân nước này đã kịch liệt phản đối bằng những cuộc xuống đường biểu tình, bởi họ cho rằng việc loại bỏ thuế quan sẽ có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp của họ.

Ngoài ra, một trong những vấn đề mà hai bên chưa đạt được đồng thuận, đó là ngành ôtô của Mỹ cho rằng Nhật Bản chưa đạt đủ tiến bộ để mở cửa ngành ôtô của Nhật.

Các vấn đề thế giới gồm có Iran, Afghanistan, Bắc Phi và chống khủng bố cũng sẽ được bàn luận trong chuyến thăm quan trọng này.

Theo BBC, AP
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem