Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế ngay sau khi tổ được thành lập. (Ảnh: VGP)
Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên là thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng từ năm 1993 đến năm 2007 cho biết, ông rất hoan nghênh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập lại Tổ tư vấn về kinh tế.
Về việc Tổ tư vấn kinh tế với 15 thành viên, trong đó có 5 giáo sư cả trong nước và nước ngoài, ông Lê Đăng Doanh đánh giá: Thực tế Tổ tư vấn kinh tế đã hoạt động từ mấy tháng nay rồi, đây là tín hiệu rất tốt đối với sự phát triển của đất nước. Tiếp tục truyền thống của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã mời chuyên gia của Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào Tổ tư vấn kinh tế.
"Tôi cũng đặc biệt hoan nghênh việc nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cũng tham gia vào Tổ tư vấn này. Dù ông Vinh không làm Tổ trưởng nhưng tôi biết ông Vinh là người thẳng thắn, có ý kiến rất mạnh dạn. Điều này càng khiến tôi tin tưởng rằng Thủ tướng tái lập Tổ tư vấn với mong muốn thực sự được lắng nghe, tham khảo các ý kiến tư vấn của các chuyên gia đối với những vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước”, ông Doanh nói.
Ông Doanh cũng cho biết, các quyết sách quan trọng về kinh tế, xã hội của đất nước thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều tham vấn ý kiến của tổ tư vấn.
“Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm tới Tổ tư vấn kinh tế. Hầu như bất cứ một văn bản gì Thủ tướng Phan Văn Khải đều yêu cầu Tổ tư vấn xem xét và cho ý kiến. Do đó, văn bản thời kỳ này khi ban hành khá ít lỗi, từ người thực thi đến những người trực tiếp bị ảnh hưởng hầu như đều có phản hồi tốt”, ông Doanh nhận định.
“Tôi hi vọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào các chuyên gia của Tổ tư vấn để các quyết sách lớn của Chính phủ có hiệu quả mạnh mẽ và nhanh đi vào cuộc sống”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Cần thêm những gương mặt doanh nhân
Cùng chung nhận định trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, nói đến chuyện kinh tế là vấn đề khó, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đều gặp khó khăn khi đưa ra các quyết sách. Đặc biệt, Việt Nam có nét đặc thù rất riêng là xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó cũng trở thành vấn đề khó khăn đối với việc xây dựng chính sách cũng như thực thi chính sách.
“Người chịu trách nhiệm cuối cùng là người đưa ra quyết định. Tuy nhiên, tổ tư vấn cũng sẽ giúp cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp có thể xây dựng và triển khai chính sách tốt nhất”, ông Thịnh nói.
Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, hiện nay việc tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai mạnh mẽ. Kinh tế của Việt Nam tuy đã có những phát triển vượt bậc trong những năm qua nhưng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vượt qua khó khăn, bước vào giai đoạn cao hơn của nền kinh tế thị trường càng đòi hỏi phải có những bước đi thận trọng, chắc chắn.
"Thủ tướng cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia cả trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, theo tôi việc lắng nghe ý kiến không chỉ dừng lại ở Tổ tư vấn mà còn phải lắng nghe ý kiến rộng hơn từ tầng lớp doanh nghiệp, người dân để có những quyết định chính xác”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, Tổ tư vấn cũng cần phải có những thành viên có khả năng tập hợp được ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân để từ đó xây dựng chính sách chuẩn xác và kịp thời điều chỉnh chính sách khi bị lạc hậu.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách Tổ tư vấn hiện nay, ông Thịnh nhận xét thành phần của tổ mới chủ yếu là các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu, cần phải bổ sung có thêm những người hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp thì mới thực tế, có được phản hồi từ cộng đồng của doanh nghiệp chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.