3 năm trở lại đây, gia đình ông Hoàng Trọng ở tổ dân phố Loan Lý (thị trấn Lăng Cô) thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1.500m2 hồ nuôi nằm ven đầm Lập An (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai). Ông Trọng cho biết, sau nhiều lần xin phép cơ quan chức năng thả nuôi tôm chân trắng trên diện tích hồ nuôi này không thành, ông liều nuôi trái phép vì không có nghề nào khác để kiếm sống.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép ven đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô.
Tại tổ dân phố Loan Lý cũng như nhiều tổ dân phố khác của thị trấn biển Lăng Cô, tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép như hộ ông Trọng diễn ra hàng loạt. Hiện các hồ tôm xuất hiện dày đặc sát mép đầm Lập An và len lỏi tận những khu dân cư ở các tổ dân phố Lập An, Loan Lý, An Cư Tân, Hải Vân, Hói Dừa, An Cư Tây…
Theo quy định tại Quyết định 72 của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế (ban hành vào năm 2014), việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai phải đáp ứng đủ nhiều điều kiện mới được cấp phép.
Tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép ồ ạt ở Lăng Cô đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường.
Cụ thể, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng bắt buộc phải nằm trong vùng quy hoạch; người dân phải có hồ nuôi diện tích tối thiểu 3.000 m2, sâu tối thiểu 2m; phải có ao lắng làm sạch nước trước khi cấp cho các hồ; vùng nuôi tôm phải có hệ thống xử lý nước thải từ hồ nuôi trước khi thải ra môi trường … Sau khi hội đủ các điều kiện trên, người dân phải đăng ký và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương thì mới được thả nuôi.
Mặc dù không hội đủ các điều kiện để được cấp phép nhưng sau khi có quyết định trên của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, người dân thị trấn Lăng Cô ồ ạt đào hồ thả nuôi tôm chân trắng.
Clip: Người dân ồ ạt nuôi tôm chân trắng trái phép
Tình trạng này đã và đang khiến đầm Lập An bị ô nhiễm, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường nước vịnh Lăng Cô- đã được công nhận là vịnh đẹp của thế giới. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vì không đảm bảo điều kiện về khâu xử lý nước thải nên nước thải của hầu hết các hồ tôm ở Lăng Cô đều được thải trực tiếp ra môi trường, khiến đầm Lập An có nguy cơ trở thành khu đầm chết.
Hậu quả của tình trạng này là dịch bệnh trên tôm ở đây thường xuyên xảy ra và lây lan trên diện rộng. Nhiều hộ nuôi tôm thường xuyên bị thua lỗ vì dịch bệnh lây lan nhưng vì chưa nguôi ước mơ đổi đời bằng con tôm chân trắng nên họ tiếp tục thả nuôi để rồi trượt dài trong nợ nần.
Trao đổi với Dân Việt, ông Dương Đăng Trung- Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, toàn thị trấn có 106 hộ dân nuôi trôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 35ha thì tất cả đều nuôi trái phép. Theo ông Trung, tình trạng nuôi tôm chân trắng ở địa phương này bùng phát từ năm 2014 đến nay, sau khi có Quyết định 72 của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Ông Trung nói, việc ngăn chặn tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép ở địa phương gặp khó khăn do người dân nuôi đồng loạt, chính quyền đã nhiều lần vào cuộc nhưng không hiệu quả. Vì để xảy ra tình trạng nuôi tôm chân trắng trái ồ ạt nên vừa qua tập thể Đảng ủy thị trấn Lăng Cô đã bị phê bình, kiểm điểm, nhiều cá nhân bị kỷ luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.