Thuật xem tướng của người Trung Quốc có đáng tin không?

Thứ ba, ngày 07/01/2025 18:31 PM (GMT+7)
Thuật xem tướng được người Trung Quốc thời xưa và nay tin dùng để dự đoán tương lai, tính cách và sức khỏe của một người.
Bình luận 0

Thuật xem tướng của người Trung Quốc có đáng tin không?

Xem tướng (Mian Xiang) là thuật bói toán của Trung Quốc dựa vào quan sát những đặc trưng trên gương mặt một người. Không chỉ dự đoán trước tương lai, chuyên gia xem tướng và những người ủng hộ cho rằng thuật bói toán này có thể được sử dụng để xác định tính cách con người, theo Ancient Origins.

Do đó, xem tướng rất phổ biến trong quá khứ, từ những bậc cha mẹ tìm vợ cho con đến lựa chọn ứng viên phù hợp cho các chức vụ trong hoàng gia. Hơn thế, thuật xem tướng còn được áp dụng trong y học Trung Quốc cổ truyền như một công cụ chẩn bệnh. Loại hình bói toán này vẫn tồn tại ở Trung Quốc ngày nay và trở nên phổ biến ở phương Tây trong vài thập kỷ qua.

Thuật xem tướng của người Trung Quốc có đáng tin không? - Ảnh 1.

Thuật xem tướng xuất hiện ở Trung Quốc từ thời cổ đại. Ảnh: Chinese Medicine Living.

Thuật xem tướng được cho là bắt nguồn dưới thời Hiên Viên Hoàng đế. Một số ý kiến khác cho rằng xem tướng được áp dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 6 bởi những nhà ảo thuật không tuân theo hoàn toàn tôn giáo nào. Nhiều người xem các pháp sư Đạo giáo là ông tổ của thuật xem tướng. Vào cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, xem tướng đã trở thành một loại hình gắn liền với đời sống Trung Quốc, xuất hiện trong nhiều biên niên sử cổ đại viết ở thời điểm đó.

Thuật xem tướng phân tích những đặc điểm khác nhau trên gương mặt người. Ví dụ, một gương mặt có thể chia thành ba phần. Phần đầu tiên kéo dài từ trán đến lông mày, thể hiện thời thơ ấu và tuổi trẻ. Phần tiếp theo tính từ lông mày đến cánh mũi, gắn liền với thời kỳ trưởng thành. Phần cuối cùng nằm giữa cánh mũi và cằm, tương ứng với tuổi già. Thông qua xem xét những đặc trưng ở các khu vực này, thầy xem tướng có thể biết nhiều về cuộc sống của một người. Gương mặt sau đó được chia theo 13 phần nhỏ hơn giúp đánh giá chi tiết hơn cuộc sống của người đó.

Theo thuật xem tướng, khoảng cách giữa hai mắt là độ rộng của mắt. Những người có mắt ở cách xa nhau thường có xu hướng lười biếng và thích hưởng thụ, trong khi người có khoảng giữa mắt hẹp hơn được cho là tập trung vào công việc nhiều hơn.

Một ví dụ khác là độ dày của đôi môi. Người môi mỏng thường thích tranh cãi hơn, trong khi người có đôi môi tròn chắc chắn biết cách nói chuyện hấp dẫn hơn.

Thuật xem tướng cũng xem xét hình dáng gương mặt khi đánh giá cá nhân. Theo đó, có 5 loại hình dáng gương mặt, mỗi loại đại diện cho một yếu tố trong Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Gương mặt tròn thuộc hành Thủy, được cho là linh hoạt, dễ thích nghi, hào phóng, lạc quan và vui vẻ.

Không chỉ dự đoán tương lai và tính cách con người, thuật xem tướng còn giúp đánh giá sức khỏe cá nhân. Ví dụ, y học Trung Quốc cổ truyền chẩn bệnh dựa vào đôi mắt, theo quan niệm đôi mắt phản ánh năng lượng âm của một người.

Phương Hoa (Theo VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem