Chống lại Gia Cát Lượng, quân Tào Nguỵ phát minh ra... "tên lửa"
Chống lại Gia Cát Lượng, quân Tào Nguỵ phát minh ra... "tên lửa"
Minh Anh
Thứ ba, ngày 07/01/2025 20:30 PM (GMT+7)
Theo những ghi chép trong lịch sử, vào năm 228 thời Tam Quốc, binh lính nhà Tào Ngụy đã sử dụng những mũi tên gắn đuốc để bảo vệ thành Trần Thương chống lại những cuộc tấn công của quân Thục Hán trong lần Bắc phạt thứ 2 của Gia Cát Lượng.
Chống lại Gia Cát Lượng, quân Tào Nguỵ phát minh ra... "tên lửa"
Sau khi Trung Quốc được hình thành thế chân vạc gồm ba nước (Thục Hán ở phía Tây, Tào Ngụy ở phía Bắc, Đông Ngô ở phía Đông Nam) theo Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng, vị quân sư này bắt đầu nghĩ đến kế hoạch Bắc phạt Tào Ngụy, hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước của Trung Quốc. Năm 226, Ngụy Văn Đế Tào Phi bệnh chết. Gia Cát Lượng nhận định rằng đây là cơ hội tốt nhất để tiến hành Bắc phạt.
Việc Bắc phạt Tào Ngụy có nhiều khó khăn: quân Ngụy đông hơn nhiều so với quân Thục Hán, đường sá lại hiểm trở gây khó khăn cho việc vận chuyển lương thảo. Bản thân Gia Cát Lượng có lẽ cũng nhận ra các vấn đề này, nhưng ông vẫn quyết tâm Bắc phạt để "lấy công làm thủ", "quấy bên ngoài để giữ yên bên trong", bởi Thục Hán có quốc lực yếu hơn nhiều so với Tào Ngụy (dân số chỉ bằng 1/4), nếu ngồi yên để Ngụy phát triển thì chẳng khác nào đợi diệt vong, còn nếu tấn công thì ít ra vẫn có cơ hội thắng.
Trong Xuất sư biểu, Gia Cát Lượng cũng đã chỉ rõ rằng: trong Tam quốc thì nước Thục Hán có lãnh thổ, dân số ít nhất, các tướng tài như Triệu Vân, Dương Quân, Mã Ngọc, Diễm Chi... cũng lần lượt qua đời vì già cả bệnh tật, sau vài năm nữa thì sợ là không còn tướng tài phá địch ("Thần đánh giặc là lấy yếu đánh mạnh. Nếu không đánh giặc thì nghiệp đế sẽ mất. Chỉ ngồi mà đợi mất, ai sẽ cùng nhau ra đánh giặc?"). Do đó, Gia Cát Lượng khẳng định nhà Thục Hán không thể thỏa mãn với cục diện yên ổn tạm thời mà phải cố tiến công giành thêm lãnh thổ. Vương Phu Chi cho rằng quyết tâm Bắc phạt chính là sự nhìn xa trông rộng của Gia Cát Lượng.
Mặt khác, quân Thục qua nhiều năm được Gia Cát Lượng huấn luyện đã trở thành một đạo quân hùng mạnh, dũng mãnh, hiệu lệnh rất nghiêm minh. Sau một thời gian chuẩn bị, căn cứ vào tình hình, Gia Cát Lượng quyết định tấn công Bắc Ngụy, tiêu diệt họ Tào, giành lại giang san cho nhà Hán. Ông trình tấu lên Hậu chủ Lưu Thiện xuất sư biểu và phân tích tình hình đề nghị tiến quân. Nội dung nói rằng: "Nay phương Nam đã bình định, binh giáp đã đầy đủ đáng khích lệ ba quân; nay bắc định Trung Nguyên, thần xin đem hết lòng khuyển mã, trừ sạch gian ác phục hưng triều Hán về lại cố đô, như vậy là thần báo đáp được tiên đế, mà trúng với chức phận dưới bệ rồng vậy". Thục Hán hậu chủ Lưu Thiện đành chấp thuận.
Sau thất bại trong lần đầu ra quân, Gia Cát Lượng tranh thủ thời gian chỉnh đốn quân đội, rèn binh luyện tướng chuẩn bị Bắc phạt. Tháng 12 năm 228, quân Đông Ngô do Lục Tốn chỉ huy bất ngờ đánh bại quân của Tào Hưu ở Thạch Bình, đồng thời yêu cầu Thục Hán giúp đỡ. Nhân cơ hội quân chủ lực của Ngụy phải sang chi viện cho mặt trận phía đông, lực lượng phòng ngự vùng Quan Trung giảm thiểu, Gia Cát Lượng liền tổ chức cuộc Bắc phạt lần thứ hai.
Quân Thục đi qua Tán Quan. Tuy vậy lần này quân Ngụy phòng thủ kỹ càng. Địa thế ở Trần Thương vô cùng hiểm trở, dễ giữ, khó đánh, được coi là nơi các nhà quân sự phải chiếm bằng được. Trước đó Tào Chân đã cho Hác Chiêu tăng cường phòng bị. Tại ải Trần Thương, quân Ngụy do tướng Hác Chiêu chỉ huy đã kiên cường phòng thủ trước những đợt tấn công của quân Thục. Hai bên giằng co khiến quân Thục hao tổn lương thực rất nhiều. Gia Cát Lượng chỉ huy quân đội đánh ròng rã 20 ngày mà không suy suyển.
Về phía quân Ngụy thì đại tướng Trương Cáp dẫn viện binh vừa đến, do đó Gia Cát Lượng chủ động dỡ bỏ vòng vây. Sau đó, Tào Chân cùng với Tư Mã Ý đem quân đến truy kích quân Thục rút lui. Bộ tướng của Trương Cáp là Vương Song dẫn quân truy kích nhưng bị quân Thục phục kích và giết chết tại Kỳ Sơn.
Tại thành Trần Thương, Tư Mã Ý đã cử Hách Chiêu và Vương Sinh đến đó trấn thủ, đồng thời tu sửa lại tường thành. Tuy vậy lúc đó trong thành Trần Thương cũng chỉ có hơn 3 ngàn binh sĩ.
Một người hành sự cẩn trọng như Gia Cát Lượng cũng có những giây phút chủ quan, cho rằng Trần Thương chỉ có mấy ngàn binh sĩ, quân tiếp viện lại khó đến kịp trước mùa đông, nên quyết định dẫn khoảng 3 vạn quân nhanh trong tiến đánh thành Trần Thương.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả chi tiết cảnh quân Thục tiến đánh Trần Thương và tài phòng ngự của Hác Chiêu, theo đó Hác Chiêu giữ thành Trần Thương chỉ có khoảng hơn 3 nghìn quân, Gia Cát sai người dụ hàng nhưng Hác Chiêu không hàng, Gia Cát xuất quân đánh, sai quân sĩ dựng lên hàng trăm cái thang mây, mỗi cái thang vài ba người trèo lên, xung quanh dùng ván che đỡ. Quân sĩ cùng mang thang nhỏ chạc mềm, hễ nghe tiếng trống báo là kéo ùa lên mặt thành.
Hác Chiêu ở trên địch lâu, thấy quân Thục bắc thang bốn mặt, lập tức sai ba nghìn quân cầm sẵn tên lửa, dàn ra bốn bên, đợi thang bắc vào gần thành thì nhất tế bắn tên lửa xuống. Gia Cát Lượng nổi hiệu trống, cho quân reo kéo lên mặt thành, không ngờ bị tên lửa bắn ra, cháy sạch cả thang, quân sĩ bị chết bỏng, tên đạn trên thành lại bắn xuống như mưa, quân Thục phải lui cả.
Gia Cát Lượng càng tức giận, nói: "Ngươi đốt thang mây của ta, ta dùng phép xung xa, xem làm thế nào?". Liền suốt đêm sai quân sắp sửa xung xa. Sáng ngày, sai đánh trống hò reo, bốn mặt trèo lên xe mà truyền vào thành. Quân Thục có hơn 3 vạn trong khi quân Ngụy chỉ có 3 nghìn. Hác Chiêu vội vàng sai quân vận đá đến, rồi đục lỗ thủng luồn dây sắn buộc vào, quăng xuống đập xe. Xe vỡ tan tành, quân Thục không sao vào được. Gia Cát Lượng sai quân đổ đất lấp hào, rồi sai Liêu Hóa dẫn ba nghìn quân mang thuổng cuốc, ban đêm đào hầm dưới đất, trong thành để chặn lại. Hai bên đêm ngày đánh nhau, hơn hai chục ngày, quân Thục không làm thế nào phá được thành.
Gia Cát Lượng bất ngờ trước sự kiên cố và khả năng phòng thủ của Hách Chiêu, đồng thời hay tin Ngụy Quốc Trương Hợp chuẩn bị mang quân đến chi viện cho Trần Thương nên ông lại đành phải rút quân. Thành Trần Thương phòng thủ vững chắc, chống đỡ kiên cường khiến Gia Cát Lượng hết cách và đành chấp nhận thất bại trong chiến dịch phạt Bắc lần hai.
Còn theo Tam Quốc chí, một trong những vũ khí lợi hại mà Hách Chiêu đã sử dụng để chống lại những cuộc tấn công của quân Thục Hán, đó là những mũi tên gắn đuốc. Mỗi lần bị tấn công, quân sĩ Tào Nguỵ trong thành Trần Thương lại bắn tên lửa ra như mưa, khiến đối phương thiệt hại vô cùng lớn. Cũng từ đây, các mũi tên gắn đuốc đã được sử dụng nhiều trong các trận chiến tại Trung Quốc.
Đến thời nhà Tống (960-1279), thuốc súng đã được sử dụng nhiều cho việc chế tạo tên lửa. Một cuộn giấy được nhồi thuốc súng sẽ được gắn vào một mũi tên và người ta sẽ sử dụng nó để bắn về phía kẻ địch. Được biết, loại tên lửa cổ đại này cũng như các phiên bản cải tiến của nó đã được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự và giải trí ở Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.