"Tôi lên án mạnh mẽ vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông. Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xảy ra vào thời điểm các nước cần tập trung cho nỗ lực chống Covid-19", thượng nghị sĩ Cory Gardner, chủ tịch Tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế thuộc Thượng viện Mỹ, cho biết trong thông cáo hôm 10/4.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch cùng thượng nghị sĩ Bob Menendez và Ed Markey cũng ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại với sự việc.
"Thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, cũng như các hoạt động của Trung Quốc trên những đảo nhân tạo được cải tạo trái phép ở Biển Đông là rất đáng lo ngại. Đó là ví dụ thể hiện sự đe dọa trắng trợn của Bắc Kinh với các nước láng giềng để thực thi yêu sách chủ quyền vô lý trên biển", thông cáo có đoạn viết.
Tàu cá Việt Nam hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực để bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như thúc đẩy hoạt động hòa bình trên Biển Đông", thượng nghị sĩ Risch cho biết thêm.
Tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 2/4 thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. 8 ngư dân sau đó được đưa về đảo Phú Lâm.
Ba tàu cá khác của Việt Nam đến ứng cứu nhưng bị phía Trung Quốc truy đuổi, bắt và lai dắt vào đảo Phú Lâm rồi thả ra cùng ngày. Các ngư dân trên tàu QNg 90617 TS đã được Việt Nam tiếp nhận an toàn hôm 3/4.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại, gọi sự việc là diễn biến mới nhất trong chuỗi hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Philippines cũng bày tỏ quan ngại, nhấn mạnh cần tránh những sự cố như vậy vì chúng "làm suy yếu tiềm năng của mối quan hệ khu vực sâu sắc và đáng tin cậy" giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/4 trao công hàm phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc hôm 30/3 cũng gửi công hàm lên tổ chức này, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.