"Trong khoảng 2 năm rất khó để làm xong tiến sĩ như Thượng tọa Thích Chân Quang"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 25/06/2024 17:07 PM (GMT+7)
Trước việc ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa học vừa làm năm 2019, đến năm 2021 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật tại Trường đại học Luật Hà Nội, chuyên gia giáo dục cho rằng rất khó để thực hiện trong 2 năm.
Bình luận 0

Đại học Luật Hà Nội rà soát lại hồ sơ sau vụ cấp bằng tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang

Vài ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin liên quan đến việc Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ luật năm 2021, tức là 2 năm sau khi nhận bằng cử nhân luật tại chức năm 2019.

Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng học lên tiến sĩ bao gồm cử nhân, thạc sĩ. Trong đó, đối tượng cử nhân phải tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên mới được học thẳng lên tiến sĩ.

Thượng tọa Thích Chân Quang: Trong khoảng 2 năm rất khó để làm xong tiến sĩ - Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Chân Quang trình bày Luận án tốt nghiệp. Ảnh: Nguyên Chương

Theo quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội ban hành tháng 1/2019, thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung; đối với người có bằng đại học là 4 năm tập trung liên tục. Thực tế thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành luật ngày 26/1/2019, đến ngày 2/4/2022 nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ.

Lý giải việc Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội cho biết, thượng tọa Thích Chân Quang học thẳng từ cử nhân (tốt nghiệp loại giỏi) lên trình độ tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính và làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.

Thượng tọa Thích Chân Quang: Trong khoảng 2 năm rất khó để làm xong tiến sĩ - Ảnh 2.

Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) tiếp cận đề tài về nghĩa vụ con người với pháp luật. Ảnh: Nguyên Chương

Theo ông Hoà, toàn bộ quá trình đào tạo, công nhận trình độ tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Quy định của Bộ GDĐT nêu rõ người được học tiến sĩ bao gồm những người đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc đã tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên ở ngành đào tạo phù hợp.

"Theo quy chế, người có bằng cử nhân đạt loại giỏi đúng ngành đào tạo có thể học thẳng lên tiến sĩ. Song, điều đó không có nghĩa là bỏ qua kiến thức của chương trình thạc sĩ mà vẫn phải học lồng ghép các phần kiến thức trong quá trình học tiến sĩ. Về chi tiết, cụ thể trường hợp của ông Thích Chân Quang ra sao, lãnh đạo nhà trường đang cho các đơn vị chuyên môn rà soát lại hồ sơ và báo cáo chi tiết các bước căn cứ quy chế của Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của trường, thời gian, thời điểm...", ông Hòa nói.

"Trong khoảng 2 năm rất khó để làm xong tiến sĩ như Thượng tọa Thích Chân Quang"

Trước vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, nhiều chuyên gia cho hay thực tế cũng có không ít người tốt nghiệp đại học được học thẳng lên tiến sĩ. Họ đều là những sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp đại học chính quy. Còn đối với trường hợp sinh viên tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học được học thẳng lên tiến sĩ là rất hiếm ở hầu hết các trường đại học trên cả nước.

Thượng tọa Thích Chân Quang: Trong khoảng 2 năm rất khó để làm xong tiến sĩ - Ảnh 3.

Thượng tọa Thích Chân Quang tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chương

Nếu thực hiện đúng quy chế đào tạo tiến sĩ cũng như quy định của chính Trường đại học Luật Hà Nội thời điểm năm 2019, đối với cử nhân học thẳng lên tiến sĩ phải học tập trung 48 tháng. Những nghiên cứu sinh này nếu học xuất sắc được hiệu trưởng cho phép rút ngắn thời gian học thì cũng phải học ít nhất 36 tháng.

"Theo nguyên tắc về chương trình đào tạo tiến sĩ phải có thời gian tối thiểu và thời gian tối đa để đảm bảo chất lượng. Các chương trình đào tạo tiến sĩ thường phải có chuyên đề, phải theo quy trình để bảo vệ các vòng cho đến vòng cấp Nhà nước thì mới trở thành tiến sĩ được. Mỗi vòng theo quy định chỉnh sửa ngay cả thời gian vật lý để hoàn thành dự án. Trong khoảng 24 - 25 tháng rất khó để làm xong tiến sĩ như Thượng tọa Thích Chân Quang. 

Ngoài ra các tiêu chuẩn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ còn có liên quan đến ngoại ngữ, đầu ra… Theo quy định phải có những công bố, thậm chí quốc tế để bảo vệ luận án. Với tất cả những điều kiện như vậy, để đảm bảo chất lượng cho chương trình rất khó để đạt được đúng hạn 3 năm chứ đừng nói đến chuyện bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong vòng 2 năm", chuyên gia giáo dục đánh giá.

Trước sự việc trên, chuyên gia cho rằng, nếu đây là vấn đề cộng đồng nghi vấn thì hội đồng trường cần thẩm định về chất lượng để rộng đường dư luận cũng như công khai về tất cả những công bố, xuất bản nào liên quan đến luận án đó.

Ngoài ra, chuyên gia cho hay, vì có vụ việc này dư luận đặt dấu hỏi không chỉ một trường hợp của Thượng toạ Thích Chân Quang mà còn nhiều trường hợp khác có thể "ra lò" tiến sĩ trong giai đoạn Covid-19.

"Vì vậy các cơ quan chủ quản, thậm chí chính nhà trường phải chủ động công khai tất cả thông tin, đầu vào từ lúc nào, học các chuyên đề bằng hình thức nào, ra sao, thời gian để bảo vệ các vòng như thế nào?... Phải đối sánh các cơ quan ví dụ cơ quan chủ quản là Bộ Tư Pháp cũng như Bộ Giáo dục và đào tạo. Thậm chí với trường hợp như vậy phải thẩm định lại luận án. Về cơ bản sau khi bảo vệ xong một thời gian, chúng ta vẫn có quyền thẩm định lại 15-30% những trường hợp có dư luận trái chiều để đảm bảo và công khai tính chất lượng luận án như vậy", chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đối với ngành giáo dục đào tạo phải kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng. Ví dụ: Quy định công bố thế nào, hoàn thành các điều kiện ra sao theo đúng chương trình đào tạo. Bản thân cơ sở đào tạo cũng phải đưa ra lịch trình, lộ trình thời gian đã triển khai cho một số khoá đào tạo tiến sĩ trong những năm Covid-19 có ông Thích Chân Quang. Bộ Tư pháp cũng cần có trao đổi với cơ sở đào tạo cụ thể là Trường Đại học Luật Hà Nội. Đây là cơ sở trực thuộc về kế hoạch triển khai đào tạo cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường để đáp ứng các tiêu chuẩn đó không.

"Quan điểm cá nhân của tôi, 2 năm là khoảng thời gian vật chất không đủ trừ trường hợp đã có đề tài nào đó mà trước khi thi đầu vào chương trình tiến sĩ đã có sự chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu, hợp tác lâu rồi. Trong chương trình đào tạo kinh nghiệm của chúng tôi sẽ có những bạn làm ngay được khi các bạn phát triển thêm những đề tài từ thạc sĩ lên đến tiến sĩ, kết nối thêm phần nữa để tạo thành một dự án tổng thể. 

Trong một số ngành ngành khác như khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, thí nghiệm chỉ dựa vào số lượng công bố mà cá nhân đó tham gia dự án rất xuất sắc thì thời gian bảo vệ tiến sĩ sẽ rút ngọn nhanh hơn. Đối với các đề tài khoa học xã hội hay hành vi như thế này nếu không có sự chuẩn bị trước rất khó có thể hoàn thành được trong thời gian đúng hạn của chương trình đào tạo chứ đừng nói đến rút ngắn hơn nữa", chuyên gia nhấn mạnh thêm.

Ngày 19/6 vừa qua, Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ấn ký thông báo kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo đó, Thượng tọa Thích Chân Quang bị kỷ luật, yêu cầu không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.

Thiền tôn Phật Quang và Thượng tọa Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo; gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem