Tiêm kích duy nhất lịch sử thế giới dùng động cơ tên lửa

Đăng Nguyễn - NI Thứ hai, ngày 28/11/2016 19:55 PM (GMT+7)
Trong Thế chiến 2, phát xít Đức theo đuổi nhiều chương trình phát triển vũ khí tham vọng, một trong số đó là máy bay chiến đấu sử dụng động cơ tên lửa Messerschmitt Me 163 Komet.
Bình luận 0

img

Tiêm kích đánh chặn siêu nhanh Me-163 của phát xít Đức.

Theo National Interest, nhiệm vụ phát triển hệ thống động cơ máy bay mạnh mẽ hơn luôn là thách thức lớn trong lịch sử hàng không. Trong khi quá trình phát triển động cơ phản lực bắt đầu từ những năm 1920 thì những thiết kế khác lại hướng đến sử dụng công nghệ tên lửa.

Không giống như động cơ phản lực cần đến không khí, động cơ tên lửa hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu và có thể tạo ra lực đẩy cực lớn. Nhưng giới hạn nằm ở lượng nhiên liệu bị tiêu hao nhanh chóng.

Tiêm kích độc nhất thế giới

Áp dụng công nghệ tên lửa đẩy của tiến sĩ Alexander Lippisch, công ty Messerschmitt chế tạo nguyên mẫu Me-163 đầu tiên vào năm 1941. Các cuộc thử nghiệm cho thấy tiêm kích Me-163 bay siêu nhanh bằng động cơ tên lửa HWK 109, đạt vận tốc hơn 1000 km/giờ.

Messerschmitt Me-163 Komet là tiêm kích đánh chặn động cơ phản lực không có cánh đuôi đầu tiên và duy nhất được biên chế trên thế giới. Phien bản Me-163 cải tiến năm 1944 giúp tăng vận tốc lên hơn 1.100 km/giờ.

Tuy nhiên, động cơ máy bay tiêu hao nhiên liệu quá nhanh, chỉ trong vòng 7 phút khiến cho tiêm kích đánh chặn này chỉ có tầm hoạt động hiệu quả khoảng 40 km. Không quân Đức quyết định sử dụng máy bay này trong vai trò phòng thủ, triển khai tại các sân bay gần với mục tiêu tối quan trọng.

Tháng 8/1943, Đức thành lập một đơn vị thử nghiệm có tên gọi Ekdo 16 gồm 4 phi công để vận hành những chiếc tiêm kích phiên bản Me-163B. Đây là loại tiêm kích một người lái, sải cánh hơn 9 m, dài gần 6 m, trang bị động cơ phản lực Walter HWK 109-509A, trọng tải cất cánh 4310 kg, tốc độ tối đa 955 km/giờ.

Vũ khí chính của tiêm kích này là hai pháo Mk 108 30 mm. Loại pháo này mạnh đến mức có thể dễ dàng bắn rơi chiến đấu cơ đối phương chỉ bằng một phát đạn, hoăc 4-5 phát nếu là máy bay ném bom. Tuy nhiên, tốc độ viện đạn khi rời nóng không cao khiến cho máy bay khó bắn trúng mục tiêu ở tầm xa.

img

Me-163 là một trong những dự án chế tạo vũ khí tham vọng của phát xít Đức trong Thế chiến 2.

Tuy nhiên, tiêm kích này lại gặp phải một số trục trặc như hai động cơ phản lực không ổn định và dễ bị ăn mòn trong quá trình đốt nhiên liệu. Nhiên liệu sử dụng cho động cơ phản lực có tính ăn mòn cao và rất dễ phát nổ.

Các phi công Đức phải mặc đồ bảo hộ bằng vật liệu chống ăn mòn bởi nhiên liệu động cơ có thể thấm vào khoang lái qua các mối hàn khung máy bay. Phi công trải qua quá trình huấn luyện đặc biệt để làm quen với buồng lái áp suất cao, tránh trường hợp bị ngất trong khi máy bay đang tăng tốc trên bầu trời.

Để làm giảm trọng lượng, bánh xe trang bị cho máy bay thực chất gắn trên xe đẩy, không mang theo khi Me-163 đã bay trên bầu trời. Khi hạ cánh, Me-163 phải đáp xuống bằng bụng, vốn được thiết kế để giảm chấn động.

Tuy vậy, các tiêm kích đánh chặn siêu nhanh này không dễ để có thể hạ cánh vì thiết kế thuận lợi cho việc cất cánh hơn. Nếu thất bại, phi công có thể không có cơ hội hạ cánh lần 2 vì nhiên liệu thường chỉ đủ cho lần đầu tiên. Một khi dừng lại, Me-163 sẽ được treo ngược lên, và kéo đi bằng máy kéo nông nghiệp cải tiến.

Không hiệu quả như kỳ vọng

Cho đến tháng 8.1944, phi đội Me-163, do tướng phát xít Đức Wolfgang Späte chỉ huy được điều đến Brandis và Stargard để bảo vệ hai nhà máy lọc dầu chiến lược. Ở thời điểm này trong Thế chiến 2, phe đồng minh nhận ra dầu thô là một trong những “gót chân Achilles” của nền kinh tế Đức.

Những đợt ném bom chính xác không chỉ khiến tiêm kích đánh chặn Me-163 phải “ngồi chơi xơi nước” mà cả bộ máy chiến tranh Đức có nguy cơ thiếu nhiên liệu trầm trọng.

Ngày 16.8.1944, phi đội Me-163 Komet lần đầu xuất kích đánh chặn oanh tạc cơ phe Đồng minh nhưng không thành công. Dù được trang bị hai khẩu pháo Mk-108 đầy uy lực, phi công Me-163 gần như không thể ngắm được mục tiêu vì chiếc tiêm kích lao đi quá nhanh.

img

Dự án chế tạo tiêm kích đánh chặn Me-163 không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Theo thống kê, với tốc độ nhanh như vậy, phi công Me-163 chỉ có khoảng 2,5 giây để vừa ngắm bắn và tiêu diệt mục tiêu trước khi vượt ra khỏi tầm bắn hiệu quả. Các phi cơ đồng minh không thể truy đuổi tiêm kích siêu nhanh của Đức nhưng các máy bay có thể tiếp cận sân bay, bắn hạ Me-163 khi đang hạ cánh.

Để giải quyết vấn đề về độ chính xác, phát xít Đức đã trang bị cho các máy bay Me-163 loại súng cối 50 mm SG500 Jagdfaust. Khi tiếp cận bên dưới máy bay ném bom đối phương, phi công Đức sẽ kích hoạt vũ khí này và đạn bắn thẳng đứng nhằm vào bụng đối phương. Chiến thuật như vậy đã bắn hạ một máy bay ném bom hạng nặng Lancaster của Anh vào ngày 10.4.1945.

Kết thúc chiến tranh, các phi công lái tiêm kích Me-163 đã 16 lần bắn rơi máy bay đồng minh, đa số là B-17 và máy bay ném bom Mosquito. Trong khi đó, phe đồng minh chỉ lên tiếng xác nhận 9 trường hợp bị bắn rơi bởi Me-163.

Ngược lại, khoảng 6-9 máy bay tiêm kích đánh chặn Đức bị bắn rơi bởi phi cơ P-51 Mustang. 9 chiếc khác tổn thất do tai nạn. So với nguồn lực khổng lồ mà phát xít Đức đầu tư vào dự án, con số này rõ ràng không đem lại ấn tượng.

Công ty Messerschmitt phát triển phiên bản Me-163 C hai buồng đốt, mở rộng kho chữa nghiên liệu và buồng lái được gia cố chống lại áp suất cao tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ có một trong ba phiên bản kịp thời cất cánh bay thử nghiệm trước khi chiến tranh kết thúc.

img

Me-163 trưng bày tại bảo tàng ở Mỹ.

Không quân Đức sau này nhận ra, các máy bay Me-262 sử dụng động cơ phản lực rõ ràng hoạt động hiệu quả hơn các tiêm kích Komet. Sau chiến tranh, phe đồng minh đã thu giữ nhiều máy bay Me-163 còn nguyên vẹn.

Ít nhất 10 chiếc hiện vẫn còn được trưng bày tại bảo tàng ở Mỹ, châu Âu và Úc. Câu chuyện về tiêm kích sử dụng động cơ tên lửa Me-163 không dừng lại ở châu Âu. Dù quá trình vận chuyển Me-163 và tàu ngầm U-boat về Nhật Bản thất bại nhưng Tokyo cũng kịp sao chép các tài liệu hướng dẫn.

Các kỹ sư đế quốc Nhật sử dụng tài liệu hướng dẫn này để tạo ra phiên bản Me-163 riêng, gọi là J8M Shushui cho hải quân cũng như Ki-200 phục vụ trong không quân Nhật Bản.

Tổng cộng có 7 chiếc J8M được chế tạo nhưng chỉ có một chiếc bay thử nghiệm. Phi công lái máy bay này đã bị thương do động cơ tên lửa đột ngột ngừng hoạt động ngay sau khi cất cánh.

Thế chiến 2 kết thúc ở Nhật Bản cũng chấm dứt mọi dự án phát triển máy bay chiến đấu sử dụng động cơ tên lửa.

Có thể nói, dù đạt tốc độ vượt xa mọi máy bay khác trong thời điểm đó, những chiếc Me-163 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc không nên tối ưu hóa một đặc tính của chiến đấu cơ mà bỏ qua những yếu tố khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem