"Tiêm vaccine mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu là cần thiết"
“Tiêm vaccine mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu là cần thiết”
Gia Khiêm
Thứ hai, ngày 01/11/2021 17:36 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của một số chuyên gia y tế khi Sở Y tế TP.HCM có đề xuất với UBND TP tiêm vaccine mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12 năm nay.
"Tiêm vaccine mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là đúng và cần thiết"
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đang đề xuất UBND TP tiêm vaccine mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao vào hai tháng cuối năm 2021. Sang năm 2022, dự kiến tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.
Từ ngày 8/3 năm nay, TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là những nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, đến nay đã có khoảng 75.400 người là lực lượng chống dịch và nhân viên y tế của thành phố được tiêm đủ vaccine (riêng TP.HCM có 55.000 nhân viên y tế tham gia chống dịch đợt 4).
Còn đối với người cao tuổi, mắc bệnh nền... đã bắt đầu tiêm vaccine mũi 1 vào những ngày cuối tháng 7. Như vậy, tính đến nay, thời gian bắt đầu tiêm mũi 1 cho những người đầu tiên của lực lượng tuyến đầu khoảng 8 tháng, còn với người cao tuổi mắc bệnh nền khoảng 3 tháng.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 1/11, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, đề xuất tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao là đúng và cần thiết.
"Những người tham gia tuyến đầu chống dịch sau thời gian dài đã tiêm mũi 2 có thể bị mắc bệnh nhiều hơn, rồi lây cho người khác. Từ đó cần tính toán tiêm vaccine cho họ làm sao khả năng nhiễm bệnh giảm xuống để không lây cho người khác. Đặc biệt, bác sĩ chữa cho các bệnh nhân nặng chưa được tiêm vaccine, phải bảo vệ bác sĩ đó", ông Khanh thông tin.
Theo ông Khanh, có 2 yếu tố tiên quyết trong việc này đó là vấn đề thời gian và liều lượng phân bổ vaccine. "Những người tiêm được mũi 3 phải có thời gian ít nhất 6 tháng đã tiêm mũi 2. Thứ 2, vaccine ở một số nơi đang thiếu thì cũng là điều nên cân nhắc xem nếu tiêm mũi 3 có đủ vaccine hay không. Ở một số nước đã tiêm mũi 3 bởi nguồn vaccine họ sẵn có, còn tại Việt Nam nguồn vaccine hạn chế nên phải phụ thuộc vào việc phân bổ vaccine", bác sĩ Khanh nói thêm.
Mũi 3 vaccine ngừa Covid-19 nào phù hợp với 2 mũi đầu?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc suy giảm miễn dịch chống lại người nhiễm Covid-19 có triệu chứng (dù không tăng nguy cơ bệnh nặng hay tử vong) sẽ làm tăng nguy cơ truyền nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế và cộng đồng. Vì vậy việc tiêm vaccin mũi 3 cho những người này là cần thiết.
"Theo tôi biết các lực lượng tuyến đầu đã tiêm vaccine được 6 tháng, rất nhiều người đã bị nhiễm Covid-19 kể cả ở Hà Nội và một số tỉnh thành. Chính vì vậy, nếu có vaccine, tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch là điều cần thiết. Nhiều bác sĩ làm ở bệnh viện thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế tại nhiều quốc gia cũng đã cho tiêm mũi 3 rồi", ông Nga thông tin.
Trước thắc mắc của nhiều người khi tiêm vaccine mũi 3 có cần căn cứ vào loại vaccine đã tiêm 2 mũi trước đó, ông Nga cho rằng tiêm cùng loại là tốt nhất.
Về việc này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, nếu hai mũi đầu tiêm AstraZeneca thì tiêm mũi 3 bằng Pfizer sẽ rất tốt.
Ngoài ra, tại một số địa phương hiện nay dịch Covid-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều ý kiến băn khoăn có nên thay đổi biện pháp cách ly tập trung, thay vì cách ly tại nhà dễ lây cho nhiều người, ông Nga cho rằng không cần thiết phải thay đổi.
"Hiện chúng ta đang trong giai đoạn chung sống với dịch, nhiều nước cũng coi dịch Covid-19 như chuyện bình thường. Khi đã tiêm vaccine thì tỉ lệ tử vong rất thấp. Các trường hợp F0, F1 không có triệu chứng nên để tự điều trị, cách ly tại nhà. Điều quan trọng đó là ngành y tế sẵn sàng ứng cứu, không làm nặng nề vấn đề. Tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng bệnh sẽ không diễn biến nặng", ông Nga nói thêm.
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về nhu cầu sử dụng vaccine trong những tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch năm 2022.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vaccine của Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine trong những tháng cuối năm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát, thống kê số lượng trẻ trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi. Đồng thời đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này, xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều vaccine.
Trong văn bản, Bộ Y tế cũng khẳng định đây là những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo.
Theo kế hoạch, hôm nay (1/11), chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi được tiến hành trên toàn quốc. Tuy nhiên, từ ngày 27/10, đã có 3 tỉnh, thành phố tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Ninh Bình. Tính đến thời điểm này, tổng số liều vaccine đã được tiêm trên toàn quốc hơn 81 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi hơn 57 triệu liều, tiêm mũi 2 hơn 24 triệu liều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.