Điểm tựa tinh thần cho Tiến Minh là trong 3 lần gặp nhau trong quá khứ, chiến thắng đều thuộc về Tiến Minh. Gần nhất, ở vòng 2 giải Nhật Bản mở rộng tháng 9.2013, Tiến Minh đã thắng Kento 2-1 (21-17, 19-21, 21-15).
Và thực tế, Tiến Minh đã nhập cuộc khá tốt để tạo khoảng cách điểm 4-0. Nhưng khoảng thời gian sau đó của set 1, Kento đã chứng minh anh tiến bộ nhiều đến thế nào trong vòng 2 năm qua. Bình tĩnh gỡ hòa 4-4, rồi vượt lên nhanh chóng dẫn trước 11-6, 15-11… Những nỗ lực của Tiến Minh cũng chỉ giúp anh thu hẹp khoảng cách điểm trong vô vọng, chấp nhận thua 15-21.
Tiến Minh đã dừng bước ở vòng 3 giải cầu lông VĐTG 2015. Ảnh: I.T.
Sang set 2, sức trẻ của Kento càng được phát huy tối đa. Tiến Minh chỉ có thể duy trì thế trận cân bằng trong những điểm đầu tiên: 3-3, 4-4, 5-5… Sau đó là chuỗi lên điểm liên tiếp của tài năng cầu lông xứ sở hoa anh đào: 11-5, 13-6, 17-10… Cách biệt điểm số quá xa nên cuối set Tiến Minh chỉ có thể rút ngắn khoảng cách xuống còn 15-18, trước khi thua 16-21.
Thua trận chung cuộc 0-2 sau 40 phút so tài nhưng với việc lọt vào vòng 3 giải vô địch thế giới 2015, Tiến Minh cũng đã tích được thêm nhiều điểm trong hành trình tìm vé chính thức dự Olympic 2016. Theo BXH tháng 8.2015 của Liên đoàn cầu lông thế giới, Tiến Minh đứng thứ 34. Từ nay cho tới ngày 5.5.2016 - thời điểm chốt danh sách VĐV dự Thế vận hội 2016, Tiến Minh phải nỗ lực để giữ được vị trí này. Tại Thế vận hội, mỗi nội dung đơn nam, nữ sẽ có 38 suất tham dự và đó chính là những cái tên nằm trong tốp 38 thế giới.
Tại hai kỳ Olympic 2008 và 2012, Tiến Minh đều có mặt và đều sớm… thất bại. Olympic 2016 tại Brazil là cơ hội cuối cùng để Minh đặt dấu ấn trong sự nghiệp ở tuổi 33.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.