Nổi tiếng với cái tên trìu mến trên khắp thế giới là vua Tut, vị pharaoh của Vương triều thứ 18 được cho là nổi tiếng nhất ở Ai Cập cổ đại. Tutankhamun thừa kế ngai vàng khi mới 8 tuổi từ người cha là pharaoh Akhenaten - người mà xác ướp được tìm thấy trong lăng mộ KV55 tại Thung lũng các vị vua. Một số người cũng cho rằng mẹ của Tutankhamun là nữ hoàng Nefertiti, người vợ vĩ đại của Akhenaten và cặp vợ chồng này đã trị vì tại một trong những thời kỳ giàu có nhất của lịch sử Ai Cập cổ đại.
Tutankhamun đã trị vì đất nước trong khoảng thời gian 1332 – 1323 trước Công nguyên trước khi qua đời.
Giáo sư Ai Cập học Joann Fletcher chia sẻ, kho báu của vua Tut trong lăng mộ của ông được nhà khảo cổ học Howard Carter phát hiện năm 1922, là phát hiện khảo cổ học nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Mặt nạ của Tutankhamun là hình ảnh thu nhỏ của Ai Cập cổ đại, rất quen thuộc, tuy nhiên rất nhiều bảo vật của ông đang nắm giữ một bí mật lâu đời.
"Tôi đã đến Viện Griffith của Đại học Oxford để xem xét hồ sơ chi tiết nhất về việc chôn cất ông ấy", bà Fletcher nói.
Giáo sư Fletcher đã được tận mắt chứng kiến những bức ảnh chụp hiện trạng lăng mộ và quan tài của Tutankhamun khi nó được tìm thấy cách đây 100 năm.
Các tấm ảnh được nhiếp ảnh gia Howard Carter chụp ở mọi giai đoạn của cuộc khai quật kéo dài 10 năm. Từ những bức ảnh này, có thể thấy trong lăng mộ của vua Tut, có những căn phòng được trang trí xa hoa với các bức vẽ trên tường ghi lại các hình ảnh quen thuộc của cuộc sống thời kỳ Ai Cập cổ đại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia sử học, ngôi mộ của vua Tut có kích thước nhỏ bất thường so với địa vị, quyền lực của ông. Điều này làm dấy lên nghi vấn vị vua đã ra đi trước khi lăng mộ hoành tráng hơn dành cho ông kịp hoàn thành.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết lăng mộ của Tutankhamun còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị cướp phá. Do đó, hàng nghìn báu vật được mai táng cùng ông hoàng Ai Cập này còn nguyên vẹn. Phải mất 8 năm, các chuyên gia mới hoàn thành việc thống kê các cổ vật trong mộ Tutankhamun. Tổng cộng, 5.398 cổ vật đã được thu thập từ ngôi mộ của Tutankhamun, chủ yếu được làm bằng vàng.
Những đồ vật được tìm thấy từ lăng mộ Tutankhamun đa số là đồ trang sức bằng vàng và đá như xe ngựa, ghế, ghế dài, tán cây, ngai vàng, tựa đầu, giường nghi lễ, 4 cỗ quan tài lớn mạ vàng, quan tài bằng vàng, bình hoa, gậy, mặt nạ rắn, nhạc cụ, quần áo và hàng ngàn đồ trang trí khác.
Cùng với những đồ vật như vậy, 48 hộp ướp xác bằng gỗ và 30 bình rượu cũng được tìm thấy. Trong số tất cả các cổ vật được phát hiện từ ngôi mộ, nổi tiếng nhất là mặt nạ tử thần Tutankhamun dài 53cm và rộng 38cm.
Mặt nạ tử thần được làm từ 10kg vàng nguyên khối được khảm bằng đá quý, hiện đang là hiện vật được chú ý nhất trong gian trưng bày bộ sưu tập Tutankhamun tại Bảo tàng Cairo. Mặt nạ này là một trong những đồ vật nổi tiếng nhất của Ai Cập cổ đại.
Ngai vàng là một cổ vật hấp dẫn khác được tìm thấy trong lăng mộ. Chiếc ngai được làm bằng gỗ, phủ một lớp vàng nguyên chất và được trang trí bằng đá quý, một vật tượng trưng nổi tiếng, minh chứng cho sự khéo léo của người Ai Cập cổ đại. Ở giữa ngai vàng có một hình minh họa Tutankhamun và vợ ông là Ankhesenamun.
Đền thờ chôn cất Tutankhamun bao gồm các hộp lớn làm bằng gỗ mạ vàng đặt lồng vào nhau, bên trong chứa 3 chiếc quan tài hình người, 2 chiếc quan tài đầu tiên được làm bằng gỗ mạ vàng nhưng chiếc cuối cùng được làm bằng vàng nguyên khối, trong cùng là chiếc quách làm từ thạch anh đỏ.
Xác ướp Tutankhamun được giữ bên trong chiếc quan tài làm bằng vàng nguyên khối và che bằng mặt nạ vàng cùng hàng ngàn đồ trang sức khác. Xác ướp được bọc bằng các lớp vải lanh, những mảnh trang sức, áo giáp và dao găm được giữ trong mỗi lớp bọc.
Nguyên nhân cái chết của vị vua nổi tiếng đến giờ vẫn là một dấu hỏi lớn bởi không có bất kỳ tài liệu lịch sử nào ghi chép về sự kiện này. Qua phân tích, các nhà khoa học phát hiện trên cơ thể ông tồn tại vi khuẩn sốt rét – căn bệnh không thể chữa được tại thời điểm đó. Nhiều giả thuyết khác cũng được đưa ra như ông bị ám sát vì bằng chứng trong ngôi mộ cho thấy vua Tut được chôn cất vội vàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.