Tiết lộ: Nơi Ukraine có thể tấn công bên trong Nga sau khi được Mỹ bật đèn xanh

PV (Theo Telegraph) Chủ nhật, ngày 02/06/2024 13:13 PM (GMT+7)
Ukraine có thể tấn công quân đội, căn cứ không quân và trung tâm hậu cần bên trong Nga sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép vũ khí của Mỹ được bắn qua biên giới.
Bình luận 0
Tiết lộ: Nơi Ukraine có thể tấn công bên trong Nga sau khi được Mỹ bật đèn xanh- Ảnh 1.

Một quan chức Nhà Trắng biết chính sách sử dụng tên lửa Atacms tầm xa 'không thay đổi'. Nguồn US Army

Ukraine đã không thể phá vỡ sự tập trung của quân đội Nga hoặc tiến hành phản công hiệu quả khi cuộc tấn công vào Kharkov bắt đầu vào ngày 10/5 bởi vì, không giống như hầu hết các cuộc tấn công khác của Nga trong hai năm qua, lần này được phát động từ bên kia biên giới.

Mới đây nhất, việc các hãng truyền thông đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bí mật đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí của Mỹ để tấn công sang lãnh thổ Nga đã tạo ra những phản ứng trái chiều,

Động thái của Mỹ diễn ra sau lời kêu gọi của Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO và sau khi các đồng minh chủ chốt của châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức và Thụy Điển dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ các hạn chế của họ đối với việc bắn vũ khí được tài trợ vào Nga. 

Các nguồn tin của Anh, châu Âu và Ukraine cho biết sự thay đổi nhanh chóng trong các quy định có liên quan trực tiếp đến cuộc tấn công ở Kharkov.

Ben Barry, chuyên gia cao cấp về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: "Cuộc tấn công sẽ được hỗ trợ bởi pháo binh và bệ phóng tên lửa bên trong Nga.

Mục tiêu của Ukraine: Pháo binh, xe tăng và sân bay

Nói về các mục tiêu của Nga mà Ukraine muốn nhắm đến, Andrey Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết đó có thể là các đơn vị pháo binh, xe tăng... nhưng cũng có những mục tiêu lớn hơn như một số chỉ huy và trạm kiểm soát.

"Khi tôi nói về hậu cần, nó có nghĩa giống như những toa tàu chở các phương tiện hạng nặng, xe tăng, được vận chuyển bằng đường sắt và sau đó dỡ hàng. Điều tương tự mà họ sẽ tấn công ở Donbas hoặc Crimea", Andrey Zagorodnyuk nói.

Trọng tâm trước mắt sẽ là vùng nông thôn trải dài 20 dặm giữa thành phố Belgorod và biên giới nơi cuộc tấn công mới nhất của Nga được phát động vào ngày 10/5.

Rob Lee, một thành viên cao cấp tại viện nghiên cứu chính sách đối ngoại( một tổ chức tư vấn của Mỹ) cho biết, Himars do Mỹ cung cấp và pháo binh châu Âu có thể sẽ ưu tiên pháo binh Nga và các địa điểm phóng máy bay không người lái tấn công Lancet.

Ông nói, những địa điểm phóng này đã đạt được thành công đáng kể và có thể hoạt động phần lớn mà không bị trừng phạt từ bên trong Nga.

Ukraine cũng có thể tấn công phủ đầu vào một lực lượng lớn của Nga được phát hiện đang tập trung xung quanh làng Graivoron, cách đó khoảng 30 dặm về phía tây. Người ta lo ngại rằng lực lượng này có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào vùng Sumy. 

Xa hơn, một số căn cứ không quân sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Stormshadow của Anh và Pháp. Căn cứ không quân Baltimor ở Voronezh, nơi có phi đội SU-34 của Nga, có lẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong số đó.

Ukraine cũng được phép sử dụng tên lửa phòng không để bắn hạ máy bay địch gây ra mối đe dọa. Tuy nhiên, do thiếu tên lửa phòng không và gần như không thể đánh chặn bom lượn khi đang bay, việc tiêu diệt máy bay trên mặt đất có thể là cách thực tế duy nhất để thách thức sự thống trị ngày càng tăng của Nga trên bầu trời.

Vẫn còn một số nhầm lẫn về những hạn chế còn lại đối với quân đội Ukraine. Sau khi tin tức về việc ông Biden bí mật đồng ý cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ được lan truyền trên cách hãng truyền thông phương Tây, một quan chức Nhà Trắng cho biết chính sách sử dụng tên lửa tầm xa Atacms "không thay đổi".

Điều đó có thể có nghĩa là Nhà Trắng đã cho phép GMLRS nhưng không cho phép Atacms tấn công xuyên biên giới. Nhưng ngay cả điều đó cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.

"Đúng, Nga làm giảm độ chính xác của (GMLRS) khi gây nhiễu chiến tranh điện tử, chúng trở nên kém chính xác hơn một chút (kể từ khi chúng xuất hiện vào năm 2022). Nhưng loại vũ khí này đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với Ukraine và Ukraine là một quân đội lấy pháo binh làm trung tâm", ông Lee nói. "Nếu họ không thể sử dụng loại năng lực hỏa lực mặt đất thực sự quan trọng này thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách chiến đấu của Ukraine".

Sự điều chỉnh nhanh chóng chính sách lâu đời của phương Tây diễn ra sau mối lo ngại ngày càng tăng về các cuộc tấn công của Nga vào mùa hè này. Cuộc tấn công vào Kharkov buộc Ukraine phải tái triển khai lực lượng từ nơi được cho là nỗ lực trung tâm của Nga ở Donbas. Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó dường như chưa tạo nên bước đột phá lớn của Nga.

Phản ứng của TT Putin

Tổng thống Nga Putin tuần trước tuyên bố rằng việc sử dụng vũ khí chính xác của phương Tây cho các cuộc tấn công tầm xa bên trong nước Nga sẽ tương đương với một cuộc tấn công của NATO vào Nga và có thể đảm bảo một phản ứng thích hợp.

Tổng thống Nga nói rằng các nước NATO, đặc biệt là các nước nhỏ hơn, nên nhớ rằng "theo quy định, họ có những vùng lãnh thổ nhỏ với dân số rất đông đúc. Đó là yếu tố họ nên lưu ý trước khi nói về các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga". 

Dmitry Suslov, thành viên của Hội đồng cố vấn Chính sách đối ngoại và quốc phòng có trụ sở tại Moscow, hôm thứ Tư đã kêu gọi tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân để ngăn chặn phương Tây dỡ bỏ các hạn chế tấn công.

Khi được hỏi về những mối đe dọa đó, ông Stoltenberg nói rằng: "Điều này không có gì mới. Đã từ lâu rồi, mỗi khi các đồng minh NATO hỗ trợ Ukraine, Tổng thống Putin lại cố gắng đe dọa chúng tôi không làm điều đó".

Keir Giles, thành viên của Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, tin rằng luận điệu hạt nhân hiện tại của Nga còn lâu mới đến ngưỡng đe dọa thực sự.

"Tôi đã ngồi cạnh Suslov tại một hội nghị của NATO. Ông ấy đã nói những điều như thế này nhiều năm rồi – rất lâu trước cuộc chiến ở Ukraine".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem