Tiết lộ thời điểm "hết đát" của đập Tam Hiệp

Vương Nam (tổng hợp) Thứ năm, ngày 09/07/2020 00:25 AM (GMT+7)
Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để xây dựng đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh. Một trong những lợi ích cốt lõi đối với Trung Quốc khi cho xây dựng đập Tam Hiệp là khả năng điều tiết dòng lũ hằng năm ở sông Dương Tử. Đập Tam Hiệp được đánh giá là vững chắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang đối phó với mùa mưa lũ kỷ lục, sự toàn vẹn hay tuổi thọ của con đập là dấu hỏi lớn.
Bình luận 0
Tiết lộ thời điểm "hết đát" của đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Cảnh thi công đập Tam Hiệp vào năm 2006 (ảnh: Xinhua)

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng, đập Tam Hiệp có hạn sử dụng 50 năm. Điều này có nghĩa là từ khi hoàn thiện vào năm 2009, đập Tam Hiệp chỉ còn có thể sử dụng đến năm 2059 và được thay thế.

Một số chuyên gia Nhật Bản thì cho rằng, những con đập trọng lực bê tông do nước này xây dựng thường có tuổi thọ 100 năm, nhưng đập do Trung Quốc thi công chỉ có tuổi thọ bằng một nửa.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc tuyên bố, thời gian sử dụng của đập Tam Hiệp là 100 năm hoặc thậm chí hơn nếu được bảo trì tốt.

Từ khi đi vào vận hành đến nay, đập Tam Hiệp đã trải qua 53 đợt lũ lớn. Trong đợt lũ sông Dương Tử năm 2010, 2012, lưu lượng nước dồn về có lúc đã lên tới 71.200 m3/giây, nhưng đập Tam Hiệp vẫn làm tốt nhiệm vụ. Không ngoa khi nói rằng đập Tam Hiệp như một bức trường thành bảo vệ người dân ở khu vực hạ lưu.

Xét về thực tế, một dự án đập chắn lũ lớn như đập Tam Hiệp có thể sử dụng trong bao nhiêu năm không chỉ phụ thuộc vào thiết kế, khả năng chịu áp lực nước mà còn dựa vào những điều chỉnh, cải thiện và bảo trì kịp thời trong quá trình sử dụng, vận hành.

Tiết lộ thời điểm "hết đát" của đập Tam Hiệp - Ảnh 2.

Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp có tuổi thọ hơn 100 năm (ảnh: SCMP)

Theo các chuyên gia Trung Quốc, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng bởi hiệu ứng El Nino gây ra những trận mưa lớn, nhưng đập Tam Hiệp vẫn sẽ toàn vẹn trong mùa mưa lũ kỷ lục năm nay.

Hiệu ứng El Nino gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường, một số khu vực sẽ chịu hạn hán, trong khi khu vực khác có thể xảy ra mưa to không ngớt. Vai trò kiểm soát lũ lụt và điều tiết nước chống hạn của đập Tam Hiệp lại càng trở nên quan trọng trong thời điểm này.

Trong mùa mưa lũ năm nay, đập Tam Hiệp đã phải 2 lần mở cổng xả lũ, mặc dù lưu lượng nước đổ về chưa tới mức đỉnh là 70.000 m3/giây.

Theo Tân Hoa Xã, con đập vẫn “dư sức” chống chịu những trận lũ lớn hơn trên sông Dương Tử.

“Tình hình lũ trên sông Dương Tử đến nay không quá nghiêm trọng. Hồ chứa của đập Tam Hiệp vẫn có khả năng trữ nước thêm”, Bao Zhengfeng – trợ lý Giám đốc Trung tâm Thông tin đập Tam Hiệp – nói với Tân Hoa Xã.

Theo ông Bao, đập Tam Hiệp có thể chịu nổi mực nước dâng tới 175 mét, đúng như thiết kế ban đầu, mặc dù đã trải qua hơn 10 năm sử dụng.

Ông Bao cũng bác bỏ thông tin cho rằng, việc đập Tam Hiệp xả lũ đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng cho các thành phố ở hạ lưu, đặc biệt là Nghi Xương, Vũ Hán.

Ông Bao đổ lỗi cho hệ thống thoát nước yếu kém của các thành phố này đã gây ra ngập lụt khi mưa lớn chứ không phải do đập Tam Hiệp mở cổng xả lũ.

Tiết lộ thời điểm "hết đát" của đập Tam Hiệp - Ảnh 3.

Đập Tam Hiệp mở 3 cổng xả lũ (ảnh: Xinhua)

“Kể từ khi đi vào hoạt động, đập Tam Hiệp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ ở sông Dương Tử. Năm 2010 và 2012, đập Tam Hiệp đã chịu nổi lượng nước đổ về lên tới hơn 70.000 m3/giây, bảo vệ vùng hạ lưu”, ông Bao nói.

Theo Tập đoàn Tam Hiệp (CTG), con đập đang hoạt động rất tốt và mang lại nhiều lợi ích về giao thông thủy, sản xuất điện và đặc biệt là kiểm soát lũ.

CTG hôm 8.7 cũng bác bỏ đồn đoán cho rằng đập Tam Hiệp sắp vỡ. CTG nhấn mạnh đập Tam Hiệp còn nguyên vẹn, không một vết nứt.

Theo CTG, trong nửa đầu năm 2020, đập Tam Hiệp đã hoạt động an toàn và đáng tin cậy. 66,87 triệu tấn hàng hóa đã trung chuyển qua con đập. Các chỉ số đánh giá an toàn của con đập và hồ chứa vẫn ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem