Tàu hàng sẽ bị nhà chức trách Ai Cập tạm giữ để phục vụ điều tra.
“Chúng tôi đang tiếp tục thống kê, tính toán các khoản thiệt hại từ ngày đầu tiên xảy ra sự cố, chi phí sử dụng máy hút cát, tàu kéo. Tất cả đang được tính toán đầy đủ.”, Osama Rabia, giám đốc cơ quan quản lý kênh đào Suez ở Ai Cập, nói trên truyền hình, theo Sputnik. “Khoản thiệt hại là rất lớn, lên tới 1 tỉ USD hoặc ở khoảng đó”.
Ông Rabia nói việc các tàu chở hàng không thể đi qua kênh đào Suez trong 6 ngày cũng khiến chính phủ Ai Cập thất thu khoảng 14 triệu USD.
Hiện tại, tàu MV Ever Given thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản, do một công ty Đài Loan vận hành, sắp đi qua kênh đào để hướng ra Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, khi ra đến Địa Trung Hải, tàu sẽ phải dừng lại cho đến khi phía Ai Cập điều tra xong nguyên nhân xảy ra sự cố.
Nếu sự cố tàu mắc cạn có lỗi của thuyền trưởng và các thuỷ thủ người Ấn Độ, những người này nhiều khả năng sẽ bị nhà chức trách Ai Cập tạm giữ.
Con tàu gặp sự cố khi đang trên đường chở hàng từ Trung Quốc đến Hà Lan.
Ông Rabia nói tàu Ever Given cũng phải giao nộp hộp đen cùng các tài liệu khác để nhà chức trách Ai Cập xác minh.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. Kênh đào mở cửa vào năm 1869, giúp các tàu thuyền giảm đáng kể quãng đường di chuyển từ châu Á đến châu Âu.
Trong số 1,5 triệu lao động Ai Cập tham gia dự án xây kênh đào, khoảng 120.000 người thiệt mạng. Ai Cập mất quyền sở hữu kênh đào do nợ nần chồng chất.
Đến năm 1956, khi thoả thuận 99 năm với nước ngoài kết thúc, Ai Cập thông báo quốc hữu hoá kênh đào. Lực lượng Anh, Pháp và Israel đáp trả bằng cách đưa quân đến kiểm soát kênh đào Suez trong gần một năm, cho đến khi Mỹ và Liên Xô gây sức ép buộc các lực lượng này phải rút quân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.