Chương trình “Chuyện Cuối Tuần”, chủ đề “Phút trải lòng của ông bầu hoa hậu”, với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và nhà thiết kế Việt Hùng đang chuẩn bị lên sóng VTV9.
Nguyễn Việt Hùng được biết đến là nhà thiết kế nổi tiếng, đứng sau giúp đỡ, tạo dựng hình ảnh cho nhiều người đẹp, hoa hậu hàng đầu Việt Nam như Mai Phương Thuý, Đặng Thu Thảo... Thế nhưng, ít ai biết, Việt Hùng vốn xuất thân từ một sinh viên Khoa Luật Thương mại, trường Đại học Luật TP.HCM.
Nhà thiết kế Việt Hùng.
Trong thời gian sinh viên, do mê trang điểm, anh đi học thêm nghề này ở Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Sau đó, Việt Hùng tình cờ bén duyên với showbiz, tham gia lĩnh vực này với vai trò làm tóc, thiết kế thời trang, và cả quản lý, đào tạo người đẹp.
Việt Hùng cho biết, hơn 20 năm trong nghề, anh đã dự gần hết các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam và khoảng 20 đến 30% các cuộc thi Hoa hậu trên thế giới với nhiều tư cách khác nhau như: Ban giám khảo, ban tổ chức, đào tạo thí sinh, tổ chức sản xuất hoặc là người được phụ huynh thuê để giúp đỡ thí sinh đi thi. Chính vì thế, anh là người nắm rất rõ chuyện hậu trường các cuộc thi.
Với quan điểm của mình, Việt Hùng khẳng định 70% các cuộc thi Hoa hậu hiện nay ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Điều này được Đạo diễn Lê Hoàng hoàn toàn đồng tình, anh cho biết: “Dù tôi không có chuyên môn nhưng nhìn tên ban giám khảo, ban tổ chức là tôi biết được cuộc thi đó như thế nào, có mùi “xã hội đen” và “gian xảo” hay không”.
Lê Hoàng và Việt Hùng trong "Chuyện cuối tuần".
Theo Việt Hùng, tất cả các cuộc thi đều có lùm xùm, vấn đề là có ít hay nhiều và nếu “muốn các cuộc thi Hoa hậu không lùm xùm thì tốt nhất đừng tổ chức. Nguyên nhân của việc này là do văn hoá thua cuộc của người Việt Nam không cao và văn hoá cạnh tranh không lành mạnh. Rồi có những thí sinh không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cuộc thi nhưng vẫn cố tham gia, cuối cùng khi bị phanh phui sẽ dẫn đến những lùm xùm”.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong các cuộc thi Hoa hậu là việc “mua giải”. Về điều này, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, anh từng tiếp xúc với một số thí sinh và nhận ra có 4 cách để đặt vấn đề về việc “mua bán giải”:
“Thứ nhất, thí sinh sẽ đi ăn tối với một số người có ảnh hưởng đến cuộc thi, thường là đàn ông, đó có thể là đơn vị tổ chức hoặc nhà tài trợ. Thứ hai, thí sinh được đặt thẳng vấn đề, bỏ một số tiền ra thì sẽ được vào đến vòng tương ứng.
Thứ 3, giả dụ vương miện Hoa hậu trị giá 500 triệu thì thí sinh sẽ chỉ được nhận danh hiệu thôi, còn số tiền sẽ thuộc về người A, B, C nào đó. Thứ 4, thí sinh sẽ đóng thẳng tiền luôn để được vào các vòng sâu của cuộc thi”.
Nhà thiết kế Việt Hùng tiết lộ, thậm chí còn có nhiều hơn 4 cách thức trên: “Xưa người ta thường đồn, để có giải cô A phải ngủ với người này người kia, nhưng nay thì chủ yếu là trao đổi bằng tiền thôi. Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng mua giải được, còn phải tùy vào mối quan hệ của thí sinh với người đó như thế nào.
Ngoài ra, đối tượng mua giải phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nào đó, như sở hữu vẻ bề ngoài dễ nhìn, có đội ngũ đầu tư để bạn đó đăng quang không xấu quá. Người ta sẽ nhìn và căn cứ vào đó để có hợp đồng cụ thể mà chỉ người mua và người bán biết được, và đó là hợp đồng bằng miệng, không phải văn bản, đưa bằng tiền mặt và không bao giờ chuyển khoản, không để lại bất cứ chứng cớ nào để tố cáo nhau”.
Trần Tiểu Vy đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2018
Trước tin đồn “nhiều người cho rằng quen Việt Hùng sẽ dễ được giải”, nhà thiết kế nổi tiếng trải lòng, tin đồn đó có nhiều, bắt nguồn từ việc anh rất mê việc đào tạo, xây dựng hình ảnh cho các thí sinh.
Những người đẹp “qua tay” anh đào tạo hiện có hơn 100 người trở thành Hoa hậu, Á hậu, chính điều đó đã khiến thương hiệu cá nhân của anh được đẩy mạnh và được nhiều người tin tưởng.
Một trong những vấn đề mà dư luận vô cùng quan tâm trong các cuộc thi Hoa hậu, đó là việc phải tốn bao nhiêu tiền để có thể tham gia thi, Việt Hùng khẳng định, điều đó tuỳ vào điều kiện của từng thí sinh.
“Nếu chỉ tính tiền quần áo, trang điểm thì mỗi bộ trang phục tương đương từ 1.000 – 5.000 đô, trong một cuộc thi cần từ 10-20 bộ. Cả cuộc thi có thể tốn 1-2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó là những thí sinh nhà có điều kiện, còn nếu không, nhiều người chọn cách mượn, thuê, hay xin tài trợ thì 20 hay 200 triệu cũng được”, anh thẳng thắn.
Để có đủ số tiền này, theo Việt Hùng, các thí sinh nếu không phải con cái gia đình khá giả, thì phải có ê-kíp hay người hỗ trợ thật mạnh ở phía sau. “Bao năm trong nghề tôi chưa từng thấy thí sinh nào mà đội vương miện một mình, tất cả đều phải có cả một ê-kíp mạnh giúp đỡ”.
Ngọc Trinh từng đội vương miện hoa hậu Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2011. Cuộc thi này được dư luận nhận xét là “ao làng”.
Tuy nhiên, cũng theo nhà thiết kế nổi tiếng này, việc đầu tư tiền của để mua quần áo, make up chỉ là bề nổi, còn điều quan trọng mà anh muốn hướng tới cho các thí sinh của mình, đó là phải có nền tảng văn hóa, biết cách cư xử và có đạo đức tốt.
“Thí sinh muốn chạm tay đến vương miện hoa hậu thì phải có nền tảng tri thức cao, phải chịu khó đi học kĩ năng sống, tâm lý, để làm sao tự tin, mạnh mẽ, biết thể hiện mình, nhìn có cốt cách hoa hậu chứ không phải chỉ là một bông hoa vô vị, có sắc mà không có hương. Nếu chọn một thí sinh thực dụng, với đối tượng này đưa lên đầu, với đối tượng kia đạp xuống đất thì sẽ rất nguy hiểm cho cuộc thi, cho xã hội.
Với tôi, muốn được tôi hỗ trợ thì thí sinh đó phải đáp ứng một số tiêu chí như: Không lấy chồng của người khác, không mặc đồ ngủ ra đường (ngoại trừ tham gia một bộ phim điện ảnh có cảnh mặc đồ ngủ), nếu thí sinh đó có tiền hoặc làm ra tiền, hay tôi giúp thí sinh đó làm ra tiền thì sau đó thí sinh phải tự nguyện tham gia các hoạt động thiện nguyện”, anh trải lòng.
Khi được đạo diễn Lê Hoàng hỏi việc hỗ trợ các thí sinh có vô tư hay không, Việt Hùng cho biết, anh tự tin có thể trả lời trên truyền hình là 90% là vô tư “còn lại 10% là cho bản thân tôi và cho xã hội”.
Với bản thân mình, Việt Hùng khẳng định, anh không phải là “xã hội đen” trong các cuộc thi hoa hậu, việc giúp người khác thì khó chứ hại thì dễ. Từng có 20 năm trong giới showbiz nên Việt Hùng tự thấy rằng, việc anh được những người trẻ trong giới tôn trọng là chuyện bình thường, và việc đó thể hiện phông văn hoá của mỗi thí sinh.
Việt Hùng tâm sự, anh chỉ muốn là cầu nối giữa thí sinh và ban giám khảo, mong muốn của anh là đào tạo được nhiều thí sinh có nền tảng tri thức tốt, có vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ. Hiện tại, có quá nhiều cuộc thi hoa hậu có vấn đề khiến khán giả giảm bớt niềm tin vào sự công tâm của các cuộc thi.
7 năm sau vụ scandal qua đêm cùng 7 người đàn ông, Han Sung Joo vẫn là cái tên được nhắc đến với quá khứ “bất hảo“ và...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.