Bà Dinh, tiểu thương Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh (quận 5) - người dân vẫn quen gọi là chợ Đại Quang Minh, cho biết bà và khoảng 1/3 hộ kinh doanh khác tại chợ này đã bị "chủ chợ" cắt điện.
Chủ sở hữu trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh là Công ty CP Thương mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco).
Vụ chợ Đại Quang Minh: Tiểu thương, chủ chợ nói gì?
Theo bà Dinh, ngày 18/7, sạp của bà và khoảng 55 hộ khác bị cắt điện trong đêm. "Họ nói cắt điện do chúng tôi không đóng tiền mặt bằng", bà Dinh nói với Dân Việt.
Bà Dinh và các tiểu thương bị cắt điện cho biết họ không đồng ý với mức giá thuê sạp mà Satraseco đơn phương đưa ra. Theo lộ trình, trong một năm tới, Satraseco sẽ tăng gấp đôi so với giá thuê hiện nay.
Bà Minh - tiểu thương bán tại chợ Đại Quang Minh hơn 30 năm qua, cho biết sạp của bà cũng trong số các hộ kinh doanh bị chủ chợ cắt điện. Bà nói do vẫn đóng thuế đầy đủ nên vẫn lò dò ra chợ, thắp đèn điện bán hàng.
Bà cho rằng giá thuê tăng là không hợp lý, nếu lấy lý do là trung tâm thương mại nên giá cao thì cơ sở vật chất của chợ hiện nay không tương xứng, nếu không muốn nói là quá tệ.
"Với giá cũ thì chúng tôi cũng đã không đóng nổi, bởi từ khi dịch đến nay, sức mua không cao. Tranh chấp giá thuê cũng khiến chúng tôi không an tâm mua bán", bà Minh cho biết.
Về vấn đề này, đại diện Satraseco cho biết ngày 26/6, công ty đã thông báo gia hạn thời gian ký hợp đồng đến người thuê, chậm nhất là hết ngày 30/6. Nhưng sang đầu tháng 7, dù không đồng ý ký hợp đồng mới nhưng người thuê vẫn chưa trả mặt bằng.
Ngày 5/7, Satraseco khi gửi thông báo chấm dứt hợp đồng với những chủ sạp không ký mới, đã nêu rõ sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi theo quy định của pháp luật. Nếu bên thuê không tự nguyện giao mặt bằng, công ty sẽ ngưng cung cấp dịch vụ, tiện ích và tiến hành thu hồi mặt bằng.
Đại diện Satraseco cũng cho biết thêm ngoài gửi thông báo đến bên thuê, công ty cũng đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng trình báo và đề nghị được hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động kinh doanh đối với bên thuê vẫn đang tiếp tục kinh doanh dù đã hết hợp đồng.
Tranh chấp tại chợ Đại Quang Minh xảy ra khi nào?
Như Dân Việt đã thông tin trước đó, tranh chấp giữa tiểu thương chợ Đại Quang Minh và Satraseco diễn ra hồi tháng 3/2022. Trong đợt tái ký hợp đồng mới (hợp đồng cũ hết hiệu lực), Satraseco đưa ra điều khoản đóng tiền cọc trước 3 tháng, ký chỉ 1 năm và giá thuê tăng gấp hơn 2 lần so với giá hiện nay (theo lộ trình 6 tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2023).
Trong bối cảnh buôn bán khó khăn, tiểu thương không đồng ý các điều khoản hợp đồng này.
Phía Satraseco nhấn mạnh giá thuê của công ty hiện nay rất thấp so với mặt bằng chung. Công ty đã giữ nguyên và không tăng giá trong nhiều năm. Dù đã có lộ trình tăng giá từ năm 2020 nhưng do Covid-19, kế hoạch tạm hoãn.
Trước phản ứng của tiểu thương, Satraseco đã quyết định giãn khoảng thời gian áp dụng việc tăng giá trong 2 năm thay vì chỉ 1 năm như trước, giảm mức đặt cọc từ 3 tháng xuống còn 2 tháng và có kế hoạch sửa chữa trung tâm từ tháng 7/2022.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Theo các tiểu thương, họ là những người kinh doanh lâu năm tại chợ Đại Quang Minh, nhiều người có công đóng tiền cơ sở vật chất trong những ngày đầu tiên tại chợ. Nhưng, công ty lại đối xử bất công.
Satraseco tiền thân là Công ty Vải sợi May mặc thành phố, thành lập năm 1976, trực thuộc Sở Thương Nghiệp. Cuối năm 2003, công ty cổ phần hóa và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện Satraseco hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là dịch vụ, thương mại và đầu tư, khai thác bất động sản. Trung tâm thương mại Đại Quang Minh là một trong những đơn vị trực thuộc Satraseco.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.