Ảnh minh họa.
Chiều 10/11/2016, cảnh sát thành phố Thiều Quan (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) nhận tin Phan Yến (28 tuổi, đã ly hôn), mất tích từ sáng 6/11 sau khi mang con bốn tuổi tới gửi em gái, nói mình cần đến tòa nhà Tài Phú làm hồ sơ bảo hiểm. Suốt nhiều ngày, điện thoại của Yến đã tắt, gia đình tìm nhiều nơi nhưng không có liên lạc.
Tòa nhà Tài Phú là khu văn phòng. Cảnh sát xem dữ liệu từ camera giám sát và nhanh chóng tìm được bóng dáng của Yến. 8h30 ngày 6/11, cô vào thang máy đi lên tầng 13 nhưng không có hình ảnh đi ra.
Yến từng làm việc tại một công ty công ty bảo hiểm có trụ sở ở đây, nhưng đã nghỉ. Nhân viên công ty nói ngày 6/11 không nhìn thấy Yến. Còn các dịch vụ bảo hiểm Yến mua của công ty đều không còn giá trị. Ba tháng trước, Yến đã làm thủ tục hủy hai hợp đồng bảo hiểm với công ty. Mỗi hợp đồng có giá trị 200.000-300.000 nhân dân tệ.
Yến đã hủy hợp đồng, tại sao còn nói cần làm hồ sơ bảo hiểm? Cảnh sát phát hiện sáng 6/11 Yến nhiều lần gọi đến số điện thoại của một người tên là Lý Kiên, đồng nghiệp cũ vẫn làm tại công ty bảo hiểm này. Hôm đó, Yến lên tầng 13 chính là tầng có căn hộ Kiên đang thuê.
Kiên từng đi tù 10 năm về tội trộm cắp, vì "vết đen" này, ban đầu công ty bảo hiểm không nhận hắn. Sau đó, một giám đốc bộ phận quá cần người nên đã quyết định nhận hắn làm trợ lý cho mình. Nhưng cảnh sát chú ý tới Kiên không phải vì hắn có tiền án. Một tháng trước, Kiên bị một cô gái tố cáo đã lừa cho uống thuốc mê rồi hiếp dâm. Việc này do thiếu rất nhiều bằng chứng nên việc điều tra của cảnh sát không có tiến triển.
Vụ án trước còn đang bế tắc, lúc này lại phụ nữ khác mất tích, cảnh sát liền triệu tập Kiên đến cơ quan điều tra. Kiên khăng khăng không biết Yến trong khi nhà chức trách cho rằng từng là đồng nghiệp Kiên và Yến chắc chắn có biết nhau. Rốt cuộc hắn muốn che giấu điều gì khi nhiều bằng chứng cho thấy ngày 6/11 Yến từng lên tầng 13 tìm Kiên.
Mức độ tình nghi của cảnh sát với Kiên ngày càng cao. Cảnh sát xem kĩ tất cả video giám sát tại các lối ra vào, khẳng định Yến không ra khỏi tòa nhà này. Cô không thể biến mất vô cớ, rất có thể đã bị sát hại sau khi vào nhà Kiên.
Cảnh sát một lần nữa khám nghiệm căn hộ này, hy vọng có thể tìm được dấu vết. Trong nhà sạch sẽ, tuy nhiên so với lần khám nghiệm một tháng trước, chiếc áo ghế sofa và chiếc vali để trong góc nhà đã không thấy đâu.
Điều tra theo hướng giết người vứt xác, cảnh sát nhanh chóng có phát hiện mới. Camera trong thang máy cho thấy 13h10 ngày 6/11, Kiên kéo chiếc vali to đi vào thang máy tầng 13. Khi xuống đến tầng một, anh ta rất vất vả mới đẩy được ra khỏi thang máy, buộc vào xe máy.
Tiếp tục bám theo lộ trình di chuyển của xe máy, cảnh sát thấy Kiên đi đến huyện Thủy Hưng rồi biến mất trong vùng vùng núi. 45 phút sau, Kiên lái xe máy quay lại, phía sau vẫn có chiếc vali. Nhưng khi đi đến thị trấn Chu Điền, chiếc vai này đã biến mất. Nếu Kiên vứt xác tại Chu Điền, vì sao hắn phải đi đường vòng vào núi?
Chiều 11/11, cảnh sát tìm được chiếc va li này bị vứt bỏ bên đường, nhưng bên trong lại hoàn toàn trống rỗng. Rõ ràng Kiên đã dùng chiếc này để đánh lạc hướng cảnh sát. Nhân viên kĩ thuật lấy mẫu vật trong vali đưa đi xét nghiệm, hi vọng có thể tìm được bằng chứng buộc tội.
Cảnh sát suy đoán sẽ có ADN của Kiên hay Yến, nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy có ADN của Trần, nạn nhân tố cáo Kiên đã cưỡng bức. Tại sao Trần lại liên quan chiếc va li này? Chẳng lẽ Trần cũng đã bị hại? Cảnh sát lập tức đến tìm Trần, rất may cô vẫn còn sống.
Tại sao trong vali lại không có ADN của Yến? Cảnh sát tham khảo ý kiến của chuyên gia và được cho rằng có thể là nghi phạm đã bao bọc xác rất kĩ trước khi cho vào vali. Thứ dùng để bao bọc rất có thể là chiếc áo ghế sofa đã biến mất. Không tìm được bằng chứng trong vali, cảnh sát quyết định tìm bằng chứng mấu chốt nhất trong chuỗi chứng cứ, đó là thi thể nạn nhân.
Mở lại cuộc tìm kiếm, cảnh sát tìm được hai chiếc xe máy của Kiên trong bãi trông giữ. Một người trong hội bạn phượt của Kiên cho biết cả hai chiếc xe đầu lắp thiết bị định vị. Hệ thống định vị cho thấy chiếc xe dừng lại năm phút trên đường, cách vị trí camera chỉ hơn hai cây số. Tìm đến vị trí chiếc xe dừng lại năm phút, cảnh sát thấy thi thể Yến bọc áo ghế dưới khe núi. Pháp y kết luận nguyên nhân chết do bị bóp cổ. Lúc này, Kiên mới chịu nhận tội.
Theo lời khai, Kiên và Yến là đồng nghiệp cũ. Tháng 8/2016, Kiên dụ dỗ Yến hủy hợp đồng bảo hiểm hiện tại, lấy lại tiền để hắn làm gói bảo hiểm khác có lợi hơn. Yến đưa hơn 500.000 nhân dân tệ nhưng Kiên không mua bảo hiểm cho Yến mà dùng tiền mua xe máy BMW.
Bị Yến đòi tiền, Kiên không có cách nào trả nợ nên lên kế hoạch sát hại. Tháng 10/2016, hắn mua chiếc vali to về, nhưng không biết có chứa vừa người hay không. Để kiểm tra thử, hắn lừa đồng nghiệp Trần có dáng người xấp xỉ Yến đến nhà. Sau khi lừa uống thuốc mê, hắn cho Trần vào vali để thử. Chính vì thế Trần không có dấu hiệu bị xâm hại nhưng trong vali lại có ADN của cô.
Ngày 6/11, Kiên hẹn Yến đến nhà rồi gây án. Biết chắc chắn cảnh sát sẽ thấy hắn kéo vali ra ngoài và bám theo bằng hệ thống camera, để đánh lạc hướng, Kiên đã tính toán tỉ mỉ tuyến đường, vị trí vứt xác và vị trí vứt va li.
Tuy nhiên, Kiên không tính được việc chiếc xe máy hắn mua bằng tiền của Yến đã ghi lại chính xác vị trí vứt xác Yến.
Khang Diệp (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.