TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xử phúc thẩm vụ Trương Mỹ Lan; tin mới vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội

A.Đ (T/H) Thứ ba, ngày 05/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Xét xử phúc thẩm vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát kháng cáo án tử hình giai đoạn 1; thông tin mới vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội; thông tin mới nhất vụ nữ shipper bị hành hung, dọa chém... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Xét xử phúc thẩm vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát kháng cáo án tử hình giai đoạn 1

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 1.

Sáng 4/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 bị cáo khác, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB giai đoạn 1.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 2.

Phiên tòa phúc thẩm kéo dài đến 25/11, dưới sự điều hành của chủ tọa Huỳnh Thanh Duyên (Chánh Tòa Kinh tế TAND Cấp cao tại TP.HCM).

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 3.

Trong vụ án này các bị cáo đã bị kết án về nhiều tội danh: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"...

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 4.

Tại phiên tòa, HĐXX cho trích xuất bà Lan và chồng Chu Lập Cơ, cháu gái Trương Huệ Vân cùng một số bị cáo đến phiên xử, còn lại các bị cáo xét xử trực tuyến ở trại giam T30 Bộ Công an, Củ Chi. Vụ án này, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella xin giảm nhẹ hình phạt 8 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" 1.000 tỷ đồng của bà Lan. Trước phiên tòa phúc thẩm, ông Trí đã nộp đủ số tiền 1.000 tỷ đồng để hoàn trả cho bà Lan và có đơn xin xét xử vắng mặt do đang điều trị chấn thương cột sống.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 5.

Tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt 20 năm tù tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; 20 năm tù tội "Đưa hối lộ" và tử hình về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Ngoài ra, bà này còn phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.800 tỷ đồng.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 6.

Sau bản án sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 7.

Bản án sơ thẩm cũng xác định, bị cáo Trương Huệ Vân đã giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại 25,2 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Vân cũng kháng cáo xin giảm nhẹ.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 8.

Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP.HCM tuyên án tù chung thân về tội "Nhận hối lộ". Bà này bị cáo buộc đã nhận 5,2 triệu USD từ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để giúp che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cùng hàng loạt các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng của SCB đã bị phát hiện qua thanh tra.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 9.

Đúng 9h, HĐXX cùng đại diện VKS bước vào phòng xét xử, chính thức khai mạc phiên tòa.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 10.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 11.
Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trong ngày xét xử phúc thẩm kháng cáo bản án tử hình- Ảnh 12.

Phiên tòa bước vào phần thủ tục.

  • Tham khảo thêm

Bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân mong tòa giảm nhẹ hình phạt, xin lại nhiều biệt thự

  • TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xử phúc thẩm vụ Trương Mỹ Lan; tin mới vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội - Ảnh 13.

Nữ sinh trong "đoàn đua" tông chết cô gái ở Hà Nội: "Tôi tò mò, muốn thử cảm giác"

Ngày 4/11, Công an quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, đã tạm giữ 10 trường hợp liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, khiến một cô gái trẻ thiệt mạng.

Theo nhà chức trách, khoảng 0h15 ngày 3/11, chị N.H.Q. (27 tuổi) đang dừng xe máy chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì một đoàn xe máy, với khoảng 25-30 chiếc, lao đến từ hướng ga Hà Nội với tốc độ cao. Trong đó, N.H.N. (SN 2005) lái xe Vision màu xám, chở theo N.P.A. (SN 2005) đã không kịp xử lý và va chạm mạnh với chị Q., khiến chị ngã ra đường.

Nữ sinh trong "đoàn đua" tông chết cô gái ở Hà Nội: "Tôi tò mò, muốn thử cảm giác"- Ảnh 1.

N.H.N (SN 2005) khai cô chỉ tò mò, muốn thử cảm giác mới nên tham gia đoàn xe. Ảnh: B.P.

Ngay sau đó, N.T.M.K. lái xe chở theo L.Đ.C. (SN 2008) chạy tới và tiếp tục đâm vào nạn nhân. Vụ va chạm khiến chị Q. tử vong tại chỗ, nhóm thanh, thiếu niên này nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Tại cơ quan công an, N.H.N. khai khoảng 22h ngày 2/11, sau khi trang điểm xong, cô qua đón bạn và dự định đi dạo, chụp ảnh. Khi đến Nhà hát Lớn Hà Nội, cả hai nhập vào đoàn xe khoảng 20-30 chiếc.

N. chia sẻ rằng cô tò mò, muốn thử cảm giác mới và xem có gặp người quen trong đoàn hay không.

Vừa nhập đoàn, N. nghe tin có cảnh sát hình sự đuổi theo. Do không đội mũ bảo hiểm, hai nữ sinh tăng ga và chạy với tốc độ cao trên các tuyến đường Trần Khánh Dư - Bệnh viện 108 - Trần Hưng Đạo. Khi đến ngã tư Bà Triệu, xe của N. đã va chạm với chị Q. đang chờ đèn đỏ, làm cả hai xe văng ra đường.

Nữ sinh trong "đoàn đua" tông chết cô gái ở Hà Nội: "Tôi tò mò, muốn thử cảm giác"- Ảnh 2.

10 trường hợp trong đoàn xe đang bị cảnh sát tạm giữ. Ảnh: B.P.

"Tôi không nhớ gì, khi mở mắt ra đã thấy mình trong bệnh viện. Nghe bạn kể lại, tôi mới biết mình đã gây tai nạn chết người", N. bày tỏ sự hối hận và sốc.

Trong khi đó, N.T.M.K. cho biết sau khi xe của N.H.N. gây ra vụ va chạm, đã không kịp phản ứng và va vào chị Q. đang nằm trên đường. Khi được hỏi về lý do bỏ trốn khỏi hiện trường, các thanh, thiếu niên cho biết do sợ hãi và hoảng loạn.

Công an quận Hoàn Kiếm đang thu thập chứng cứ và củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Thông tin mới nhất vụ nữ shipper bị hành hung, dọa chém

Sáng 4/11, ông Nguyễn Văn Độ - Chủ tịch UBND xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Công an xã đang xác minh vụ việc nam thanh niên hành hung nữ shipper.

Clip vụ việc nam thanh niên lao vào nhà lấy rựa dọa chém nữ shipper.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip ghi lại cảnh nam thanh niên hành hung một nữ shipper.

Theo nội dung đoạn clip, khi nữ shipper đến giao hàng thì một nam thanh niên ra nói chuyện. Không lâu sau đó, nam thanh niên tát rồi lao vào đấm túi bụi nữ shipper.

Chưa dừng lại ở đó, nam thanh niên còn chạy vào nhà, cầm rựa chạy ra dọa chém nữ shipper. Lúc này, một người phụ nữ đã chạy tới can ngăn, kéo nam thanh niên lại.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND xã Ea Kao, sự việc xảy ra tại thôn Tân Hưng, xã Ea Kao vào chiều 30/10. Nam thanh niên trong đoạn clip là người ở địa phương khác mới đến xã Ea Kao thuê nhà. Còn nữ shipper là cư dân trú tại thôn 3, xã Ea Kao.

vụ nữ shipper bị hành hung ở đắk lắk- Ảnh 1.

Nam thanh niên cầm rựa dọa chém nữ shipper.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an xã Ea Kao đã mời nam thanh niên và nữ shipper đến trụ sở để làm việc. Công an xã yêu cầu nữ shipper đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định mức độ thương tích. Nếu kết quả thăm khám của nữ shipper ở mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Công an xã sẽ báo cáo, đề nghị Công an TP.Buôn Ma Thuột xác minh theo thẩm quyền. Còn nếu thương tích nhẹ, Công an xã sẽ thiết lập hồ sơ để xử phạt hành chính đối với nam thanh niên.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ việc là giữa nam thanh niên và nữ shipper có xích mích từ trước do mâu thuẫn giao - nhận hàng, trả tiền khi giao hàng.

Cựu Bí thư, Chủ tịch Thanh Hóa không hưởng lợi bất chính nhưng mỗi người nộp 22,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Trong vụ án vi phạm đất đai gây thiệt hại hơn 55 tỷ đồng tại dự án Hạc Thành Tower, các ông Trịnh Văn Chiến, Nguyễn Đình Xứng – cựu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bị cáo buộc phạm tội trong giai đoạn trước 2013. Khi đó, ông Chiến làm Chủ tịch UBND tỉnh còn ông Xứng làm Phó chủ tịch.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa thể hiện, các bị can Trịnh Văn Chiến và Nguyễn Đình Xứng là những người chịu trách nhiệm trong việc quyết định giá giao đất của Công ty TNHH MTV Sông Mã trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.

Cựu Bí thư, Chủ tịch Thanh Hóa không hưởng lợi bất chính nhưng mỗi người nộp 22,5 tỷ- Ảnh 1.

Các bị can Trịnh Văn Chiến (trái) và Nguyễn Đình Xứng thời gian làm lãnh đạo Thanh Hóa.

Bị can Trịnh Văn Chiến đã đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Hạc Thành Tower; đồng ý áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009 trái pháp luật.

Bị can Nguyễn Đình Xứng ký quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước của Công ty cổ phần Sông Mã là 21 triệu đồng/m2 trái pháp luật và ký phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Công ty TNHH MTV Sông Mã chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần Sông Mã, xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất số 3 Phan Chu Trinh tại thời điểm giao đất, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước.

Viện kiểm sát cho rằng, các ông Chiến và Xứng nhận thức được việc không xác định giá đất tại thời điểm có quyết định giao đất năm 2013 mà áp dụng giá đất của năm 2009 cho Công ty TNHH MTV Sông Mã là trái pháp luật nhưng vẫn thống nhất và thực hiện.

Nội dung cáo trạng cũng thể hiện, cả ông Chiến và ông Xứng đều không hưởng lợi bất chính trong vụ án. Tuy vậy, họ tự nguyện nộp mỗi người 22,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Cả hai còn được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ gồm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có thành tích trong công tác; gia đình có công với cách mạng.

Ngoài 2 cựu lãnh đạo Thanh Hóa, các bị can khác trong vụ gồm Nguyễn Mạnh Sơn và Đinh Xuân Hướng, cựu Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã; Đinh Cẩm Vân, Nguyễn Bá Hùng, cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Văn Xuân Hùng, cựu Trưởng phòng Giá, Sở Tài chính; Cù Đình Hiền, cựu Phó chánh văn phòng UBND tỉnh; Bùi Văn Nam, cựu Phó phòng Kế hoạch Văn phòng UBND tỉnh; Ngô Đình Chén, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính; Trần Công Tỏ, cựu Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Sông Mã tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Thanh Hóa (100% vốn nhà nước) được giao quản lý diện tích 1.733,8m2 tại số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa).

Quá trình doanh nghiệp này cổ phần hóa, các bị can đã xin giao đất, thực hiện giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Hạc Thành Tower, không xác định giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm giao đất vào giá trị doanh nghiệp, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 55,8 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của các bị can dẫn còn khiến giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Công ty Sông Mã chính thức chuyển thành công ty cổ phần không chính xác; không xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước. Đến nay, các bị can đã nộp lại toàn bộ 55,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Rải tiền hối lộ để thu về 2.700 tỷ đồng, đại gia Nguyễn Cao Trí tiêu vào việc gì?

Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Giáo dục Văn Lang, từng bị phạt 8 năm tù trong vụ án SCB do chiếm đoạt tiền của Trương Mỹ Lan, (đang xử phúc thẩm từ 4/11). Tại vụ án Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN), vị đại gia tiếp tục bị cáo buộc có hành vi "Đưa hối lộ" trong quá trình thâu tóm dự án Đại Ninh.

Theo hồ sơ, Dự án Đại Ninh thuộc Công ty SGĐN do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch nhưng bị Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra kết luận số 929, kiến nghị thu hồi. Doanh nghiệp do vậy gửi nhiều đơn, đề nghị xem xét lại.

Rải tiền hối lộ để thu về 2.700 tỷ đồng, đại gia Nguyễn Cao Trí tiêu vào việc gì?- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa xét xử vụ Trương Mỹ Lan, tháng 4/2024.

Quá trình gửi đơn kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Cao Trí thống nhất sẽ mua lại Công ty SGĐN, làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí. Bà Hoa khai đồng ý việc này vì thấy Trí có quan hệ với nhiều lãnh đạo, cơ quan nhà nước nên có thể giúp dự án không bị thu hồi.

Sau khi thống nhất với bà Hoa, Nguyễn Cao Trí đưa tiền cho các bị can tại Văn phòng Chính phủ, TTCP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện các hành vi sai phạm.

Từ đó, kết luận số 929 bị thay đổi bằng kết luận số 1033 ngày 30/6/2021 và dự án Đại Ninh từ "chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án" thành "không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện Dự án". Việc này trái các quy định của pháp luật.

Quá trình thâu tóm dự án Đại Ninh, Nguyễn Cao Trí "rải tiền" hàng loạt cán bộ gồm cho Lê Quốc Khanh, cựu Phó Cục trưởng Cục II, TTCP, 450 triệu đồng; Hoàng Văn Xuân, Thanh tra viên TTCP, 130 triệu đồng; Nguyễn Nho Định, Thanh tra viên TTCP, 70 triệu đồng và Nguyễn Ngọc Ánh, cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, 100 triệu đồng.

Bị can Trí cũng đưa 2,1 tỷ đồng cho bị can Trần Đức Quận, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đưa 4,2 tỷ đồng cho Trần Văn Hiệp, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tại Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Cao Trí sau khi tác động rồi được bị can Mai Tiến Dũng giúp đỡ nên chi 200 triệu đồng cảm ơn. Ngoài ra, ông Dũng khai bị can Trí còn hỗ trợ 380 triệu đồng tiền mua quà lưu niệm (bộ ấm chén) cho lễ kỷ niệm của Văn phòng Chính phủ. Đến nay, ông Dũng cùng gia đình đã nộp lại số tiền 580 triệu đồng.

Trở lại với dự án Đại Ninh, sau khi thâu tóm xong, Nguyễn Cao Trí thống nhất bán cho tập đoàn Novaland.

Sau đó, hai bên ký Thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần ngày 12/8/2022 về thống nhất nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty SGĐN với tổng giá trị giao dịch 27.600 tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn thanh toán, giá trị thanh toán tăng giảm tùy thuộc vào kết quả điều chỉnh quy hoạch 1/500 đối với phần chuyển đổi quyền sử dụng đất ở.

Tiếp đến, bị can Trí cung cấp cho Novaland các hợp đồng, thủ tục thể hiện việc bà Phan Thị Hoa đã chuyển nhượng cổ phần Công ty SGĐN sang cho ông ta. Novaland do vậy chuyển 2.700 tỷ đồng cho Nguyễn Cao Trí nhưng sau không thanh toán đúng tiến độ nên chưa được nhận cổ phần hoặc quyền lợi tại dự án Đại Ninh.

Cơ quan điều tra cho rằng, Novaland có trách nhiệm trong vụ án này nên số 2.700 tỷ đồng tập đoàn đã trả Nguyễn Cao Trí cần bị xung công.

Khi nhận 2.700 tỷ đồng nói trên, Nguyễn Cao Trí dùng chủ yếu để tái đầu tư, kinh doanh; một phần để trả nợ, cho vay hoặc thanh toán mua tài sản.

Cụ thể, Trí chuyển 500 tỷ đồng cho Công ty Hospitality vay để mua cổ phần Hệ thống nhà hàng tiệc cưới Đông Phương – Adora; cho Công ty Hospitality vay 300 tỷ đồng để trả nợ vay ông Nguyễn Cao Đức; cho Công ty CP Gia Long Group vay 236 tỷ đồng; cho Công ty Capella vay 150 tỷ đồng; cho ông Nguyễn Cao Đức vay 50 tỷ đồng để mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Giấy Xuân Đức.

Tiếp đến, đại gia Nguyễn Cao Trí chuyển 140 tỷ đồng Công ty Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang; cho Công ty Cổ phần Capella Entertaiment vay 60 tỷ đồng để hoạt động kinh doanh; cho ông Nguyễn Cao Đức vay 370 tỷ đồng để góp tăng vốn điều lệ của Công ty Capella; chuyển 75 tỷ đồng để đặt cọc, nhận chuyển nhượng các tài sản; thanh toán cho người từ Công ty Sài Gòn Silicon 200 tỷ đồng; thanh toán cho bà Trần Như Chi Lai, Công ty Nội thất Chi Lai 50 tỷ đồng; thanh toán cho người từ Công ty ROS 40 tỷ đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem