Tiết lộ sốc về tấm bản đồ giả thay đổi cục diện Thế chiến II

MA (theo Military Digest, ANTG) Thứ tư, ngày 10/11/2021 16:32 PM (GMT+7)
Thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới thứ II, nước Mỹ do nhiều nguyên nhân nên luôn ở ngoài cuộc chiến và không hề muốn tham dự khi đó đã lan rộng ở châu Âu. Tuy nhiên sau khi nhận 1 tấm bản đồ, "Chú Sam" đã từ bỏ chính sách trung lập.
Bình luận 0

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức huy động lực lượng lên đến 62 sư đoàn với 1,6 triệu quân cùng 2.800 xe tăng và môtô dưới sự hỗ trợ của 2.000 máy bay chia ra thành ba mũi tấn công bất ngờ vào Ba Lan châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ II tại châu Âu.

Chỉ sau 1 tháng, quân Đức đã thực hiện thành công chiến lược "chiến tranh chớp nhoáng" thôn tính xong Ba Lan. Tiếp sau đó, đến tháng 5/1940, quân Đức đã huy động  lực lượng 136 sư đoàn phát động cuộc tổng tiến công trên khắp các khu vực ở Tây, Bắc và Đông Nam của châu Âu.

Tình báo Anh làm giả bản đồ Hitler "thôn tính" thế giới, Mỹ lập tức tham chiến - Ảnh 1.

Một tấm bản đồ được cho là kế hoạch tấn công Mỹ của Hitler.

Khi đó nước Pháp đã không thể ngăn chặn nổi bước tiến của quân Đức, nước Anh cũng lâm vào cảnh "độc lập tác chiến" nên rất khó khăn và chỉ còn hy vọng vào sự hỗ trợ của nước Mỹ đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Vì vậy ngày 15/5/1940, Thủ tướng Anh Churchill đã gửi cho Tổng thống Mỹ một bức điện kêu gọi Mỹ chi viện khẩn cấp cho nước Anh. Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, lực lượng quân Đức đã phá được phòng tuyến của quân Pháp và nhanh chóng tiến về eo biển Anh - Pháp.

Hơn 400 ngàn quân của Anh và Pháp bị vây hãm trong một khu vực tam giác nhỏ bé. Để bảo toàn lực lượng, ngày 20/5, Thủ tướng Churchill đã ra lệnh rút quân. Kết quả là chỉ có 220 ngàn quân viễn chinh Anh cùng 80 ngàn quân Pháp rút lui được về đến lãnh thổ Anh. Ngày 4/6, quân Đức đã bao vây thủ đô Paris của nước Pháp và đến ngày 22/6, chính phủ Petain đã ký văn bản đầu hàng quân Đức.    

Tuy nhiên, Hitler đã không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi Pháp đầu hàng, Hitler đã điều động hai tập đoàn quân với 25 sư đoàn tập kết ở khu vực eo biển giáp nước Anh đồng thời huy động 1.480 máy bay ném bom cùng 1.000 máy bay chiến đấu để phát động kế hoạch mang tên "Sư tử biển" nhằm đổ bộ đánh chiếm nước Anh dưới sự yểm trợ của lực lượng không quân hùng hậu.

Hàng ngàn máy bay Đức đã liên tục không kích nước Anh suốt 2 tháng, phá hủy hàng loạt các cơ sở công nghiệp, thành phố London bị biến thành một đống đổ nát. Nước Anh lâm vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Và lối thoát duy nhất của nước Anh lúc đó là tranh thủ được sự giúp đỡ của Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Là một chính trị gia có tầm nhìn, Tổng thống Mỹ Roosevelt biết rằng dã tâm của phát xít Đức không chỉ dừng lại ở châu Âu và trật tự thế giới mới do các nước phát xít đề xướng là như thế nào. Trong khi đó ở chiến trường Liên Xô, đến tháng 10/1941, quân Đức đã tiến sát đến thủ đô Moskva.

Mặc dù cả Churchill lẫn Stalin đều lên tiếng yêu cầu Mỹ tham chiến để đối phó với lực lượng phát xít nhưng người Mỹ vẫn thờ ơ: các giải pháp viện trợ Anh và Liên Xô do Tổng thống Roosevelt đưa ra đều bị Quốc hội Mỹ phủ quyết.

Tuy nhiên tình thế đã thay đổi vào ngày 27/10/1941. Khi đó trong một buổi tiệc kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Hải quân Mỹ, Tổng thống Roosevelt tuyên bố cơ quan tình báo Mỹ đã có được một tấm bản đồ khu vực Trung - Nam Mỹ mới làm cho Hitler trong đó có kèm theo những chú thích rõ ràng.

Trên tấm bản đồ được xuất bản với danh nghĩa chính phủ Đức Quốc xã có thể thấy rõ ràng rằng Hitler đã điều chỉnh lại đường biên giới của 14 nước thuộc khu vực này theo ý đồ của hắn. Theo đó 3 nước Venezuela, Guyana, Columbia bị hợp nhất lại thành một quốc gia được gọi tên là "Tây Ban Nha mới" và đặt dưới sự khống chế của Đức Quốc xã.

Đồng thời một số nước có chủ nghĩa phát xít đang ngày càng phát triển như Brazil , Argentina đã được mở rộng lãnh thổ. Mexico thì bị biến thành nguồn cung cấp dầu mỏ cho Đức, kênh đào Panama và toàn bộ khu vực Mỹ Latinh đều bị đưa vào phạm vi ảnh hưởng của Đức Quốc xã.

Tấm bản đồ trên cho thấy rõ ý định lấn chiếm vào "sân sau" của Mỹ, của Hitler và nếu đạt được mục đích đó thì máy bay chiến đấu của Đức có thể đe dọa bất kỳ thành phố nào của nước Mỹ. Tấm bản đồ đó đã cho thấy rõ mục tiêu kế tiếp của Hitler sau khi đánh bại nước Anh và Liên Xô.

Lo sợ phát xít Đức làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, vì vậy dư luận Mỹ yêu cầu Quốc hội và chính phủ từ bỏ chính sách trung lập và viện trợ nước Anh cùng châu Âu tham gia chiến tranh. Trong tình hình đó, nhờ áp lực dư luận, Tổng thống Roosevelt đã thúc giục Quốc hội Mỹ hủy bỏ "Luật trung lập" được thông qua năm 1935 và cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Liên Xô và Anh.

Theo đánh giá của các nhà sử học thì chính tấm bản đồ đó đã khiến nước Mỹ thay đổi thái độ từ bàng quan sang chủ động tham gia trận tuyến chống phát xít, nhờ đó thay đổi cục diện Chiến tranh thế giới thứ II.

Hai nhà sử học Mỹ đã phát hiện thấy những bí mật đáng kinh ngạc liên quan đến tấm bản đồ này trong những tài liệu của Cơ quan tình báo Anh: thì ra trên thực tế tấm bản đồ do Tổng thống Roosevelt đưa ra khi đó lại là một kiệt tác của Cơ quan Tình báo Anh làm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Sau khi không thành công trong nhiều lần kêu gọi sự viện trợ của nước này, Thủ tướng Churchill đã dùng đến biện pháp ngụy tạo một bằng chứng cho tham vọng lấn vào "sân sau" nước Mỹ của Hitler để kích động tâm lý của người Mỹ và qua đó dẫn dụ Mỹ tham chiến.

Theo đó Cơ quan Tình báo Anh đã làm giả tấm bản đồ khu vực Trung - Nam Mỹ và đã sắp xếp để tấm bản đồ đó lọt vào tay tình báo Mỹ. Khi biết được tin tức về việc Hitler tấn công Liên Xô và Mỹ đồng ý viện trợ vũ khí cho Anh, ông Churchill đã thốt lên vui mừng rằng: "Đây chính là quà tặng tuyệt vời nhất của Thượng đế".

Hiện nay, tấm bản đồ lịch sử này vẫn nằm trong phòng Chiến tranh thế giới thứ II của Viện Bảo tàng Anh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem