Tình báo Đức quốc xã bị lừa trong chiến dịch đổ bộ D-Day (Kỳ 2): Nhân tố Juan Pujol Garcia

Thứ ba, ngày 28/03/2023 14:33 PM (GMT+7)
79 năm trước, nhân loại chứng kiến thời khắc lịch sử quyết định cục diện của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Phe Đồng minh đổ bộ lên Normandy, Pháp, nhưng ít ai biết rằng thành công này có sự góp phần không nhỏ của một chiến dịch tình báo nghi binh đánh lừa lực lượng Đức quốc xã.
Bình luận 0

Ngày 6/6/1944, phe Đồng minh đã tiến hành chiến dịch mang mật danh Neptune hoặc Overlord, và thường được gọi là D-Day. Chiến dịch đổ bộ D-Day chính thức thiết lập Mặt trận phía Tây, kết hợp với Mặt trận phía Đông do Liên Xô dẫn đầu tạo nên gọng kìm cô lập quân đội Đức quốc xã. Thất bại ở trận Normandy báo hiệu ngày tàn của Đức quốc xã. Chưa đầy một năm sau cuộc đổ bộ quy mô lớn nhất trong lịch sử lên Normandy, Đức quốc xã bị đánh bại, châu Âu được giải phóng hoàn toàn.

Nhân tố quan trọng

Juan Pujol Garcia trở thành điệp viên hai mang hoạt động vô cùng xuất sắc, đánh lừa và tạo được uy tín trước tình báo Đức quốc xã, đồng thời được tình báo Anh đánh giá cao và tin dùng. Năm 1944, Juan Pujol Garcia được tình báo Anh giao thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Đánh lừa phát xít Đức trong chiến dịch đổ bộ của quân Đồng minh lên bãi biển Normandy, kéo dài từ ngày 6/6 đến 30/8/1944.

Tình báo Đức quốc xã bị lừa thế nào trong chiến dịch đổ bộ D-Day? (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Chiến dịch Overload là mật danh của cuộc đổ bộ Normandy (Pháp) mà phe Đồng minh thực hiện ngày 6-6-1944 (D-Day). Ảnh: NPR

Cụ thể, vào tháng 1/1944, phát xít Đức nhận định rằng quân Đồng minh đang chuẩn bị cho một cuộc tiến công ở châu Âu trên quy mô lớn và họ yêu cầu Juan Pujol Garcia cung cấp thông tin về kế hoạch này. Nhận định của Bộ Chỉ huy tối cao quân đội phát xít Đức về ý định của quân Đồng minh là hoàn toàn đúng, trong bối cảnh các kế hoạch tấn công của quân Anh và Mỹ vào các vùng bị Đức quốc xã chiếm đóng ở châu Âu thực tế đang được tiến hành. Tuy nhiên, điều mà phía phát xít Đức không thể nào biết được là một kế hoạch nghi binh đánh lừa trên quy mô lớn đã được vạch ra, trong đó Juan Pujol Garcia đóng vai trò chủ đạo.

Theo đó, khi địa điểm đổ quân đã được quân Đồng minh quyết định là bãi biển Normandy thì nhiệm vụ của Juan Pujol Garcia là làm sao để quân Đức quốc xã tin rằng việc đổ bộ vào đây chỉ nhằm nghi binh, mà thực chất quân Đồng minh sẽ đổ bộ tại một khu vực ở Pas de Calais. Giai đoạn từ giữa tháng 1-1944 đến ngày đổ bộ, có hơn 500 bức điện (mỗi ngày 4 bức) được trao đi đổi lại giữa Juan Pujol Garcia và bộ phận tiếp nhận thông tin của tình báo Đức quốc xã ở Madrid.

Những điệp viên ảo trong mạng lưới “từ trong đầu” của Juan Pujol Garcia liên tục báo cáo rằng các cuộc đổ bộ lên bãi biển Normandy chỉ là hành động nghi binh, do một đội quân “ma” có tên Nhóm binh lính Mỹ đầu tiên (FUSAG) thực hiện. Lực lượng ảo được xác định gồm 11 sư đoàn (150.000 quân), cùng với những chiếc xe tăng giả, máy bay giả, bể bơm hơi và thiết bị âm thanh giả đặt dưới sự chỉ huy của Đại tướng George S. Patton, một trong những chỉ huy xuất sắc nhất của quân Đồng minh.

Để củng cố niềm tin của quân Đức quốc xã rằng cuộc đổ bộ lên Normandy chỉ là chiến thuật nghi binh và hướng đổ bộ chính vẫn là khu vực Pas de Calais, vào 3 giờ ngày 6/6/1944 (ngày diễn ra cuộc đổ bộ), Juan Pujol Garcia đã chuyển một bức điện khẩn với nội dung: Đã phát hiện số lượng lớn binh lính tại một địa điểm tập trung ở Southampton, đang chuẩn bị di chuyển. Những người lính đều được phát vật dụng khi lên tàu, bao gồm cả túi dùng khi nôn mửa do say sóng. Tất cả mọi dấu hiệu cho thấy lực lượng đổ bộ đang tiến đến Pas de Calais.

Ngày 9/6, (tức 3 ngày sau cuộc đổ bộ), Juan Pujol Garcia gửi một bức điện cho tình báo Đức quốc xã khẳng định lại mục đích chính của cuộc đổ bộ “nghi binh” lên Normandy chỉ là nhằm bảo đảm sự thành công cho kế hoạch thực sự của quân Đồng minh sắp diễn ra ở Pas de Calais.

Tình báo Đức quốc xã bị lừa thế nào trong chiến dịch đổ bộ D-Day? (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Mạng lưới tình báo ảo “từ trong đầu” của Juan Pujol Garcia. Ảnh: NPR

Tình báo Đức quốc xã và thậm chí cả Bộ Chỉ huy tối cao quân đội phát xít Đức cũng hoàn toàn tin vào những tin tức giả mà Juan Pujol Garcia và mạng lưới điệp viên ảo của ông cung cấp. Trong tháng 7 và 8-1944, quân Đức đã bố trí 2 sư đoàn thiết giáp và 19 sư đoàn bộ binh ở Pas de Calais để sẵn sàng đối phó với cuộc đổ bộ của quân Đồng minh. Nguyên soái Gerd von Rundstedt, Tổng chỉ huy quân đội phát xít Đức, tin vào những bức điện của Juan Pujol Garcia đến mức ông ta đã gạt đi một đề xuất của cấp dưới là cho di chuyển các sư đoàn từ Pas de Calais đến Normandy. Ngày 29-7-1944, Juan Pujol Garcia còn được chính Hitler trao tặng Huân chương Chữ thập sắt, vì “những đóng góp phi thường” cho nước Đức quốc xã. Thông qua bức điện đáp từ, Juan Pujol Garcia đã bày tỏ “những lời cảm ơn khiêm nhường” trước một vinh dự mà anh thực sự “không xứng đáng”.

Với chiến thuật “dương đông kích tây”, Juan Pujol Garcia đã góp phần quan trọng trong chiến thắng của quân Đồng minh ở Normandy và đã khiến quân Đức quốc xã phải dàn trải quân ra một đường bờ biển kéo dài và thiệt hại lớn trên chiến trường. Sau thành công của chiến dịch này, thắng lợi đã nghiêng về phía lực lượng Đồng minh, làm nên một bước ngoặt lớn cho cả cuộc chiến, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của phát xít Đức và chấm dứt chiến tranh.

Những cống hiến phi thường của Juan Pujol Garcia đã khiến tướng Mỹ Dwight Eisenhower, Chỉ huy chiến dịch Overlord, sau này là Tổng thống Mỹ, về sau đã viết: “Nếu lực lượng phát xít Đức đang tập trung ở Pas de Calais tham chiến trong tháng 6 và 7-1944, thì hẳn chúng ta đã thất bại. Đóng góp của Juan Pujol Garcia ngang với cả một sư đoàn. Ông ấy đã cứu được vô số mạng người”.

Cuối đời

Trong suốt một thời gian dài, mạng lưới điệp viên ảo do Juan Pujol Garcia thiết lập đã hoạt động vô cùng hiệu quả và không hề gây ra một sơ suất nào, không hề khiến tình báo Đức quốc xã nghi ngờ. Tuy nhiên, tình báo Anh đã quyết định rút Pujol về trong bí mật để đảm bảo an toàn cho ông.

Tình báo Đức quốc xã bị lừa thế nào trong chiến dịch đổ bộ D-Day? (Kỳ 2) - Ảnh 3.

Hộ chiếu mang quốc tịch Venezuela của Juan Pujol Garcia. Ảnh: NPR

Tháng 9/1944, MI5 quyết định rút Juan Pujol Garcia về tuyến sau nhằm giấu kín những chiến thuật mà họ đã sử dụng trong chiến dịch đánh lừa Tình báo Đức; đồng thời, cũng là để bảo vệ ông. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, để tránh sự trả thù từ tàn dư Đức Quốc xã, với sự giúp đỡ của MI5, Juan Pujol Garcia tới Angola và tạo ra cái chết giả bởi bệnh sốt rét vào năm 1949. Sau đó, Juan Pujol Garcia chuyển đến sống ở Lagunillas (Venezuela), nơi ông sống ẩn danh và làm chủ một hiệu bán sách và quà tặng, với một cái tên giả khác. Juan Pujol Garcia qua đời ở thủ đô Caracas vào năm 1988, hưởng thọ 76 tuổi.

Cuộc đời và những chiến công của Juan Pujol Garcia đã được phản ánh chân thực trong nhiều tác phẩm, từ sách cho đến điện ảnh, trong đó nổi bật là cuốn Operation Garbo: The Personal Story of the Most Successful Spy of World War II (tạm dịch là Chiến dịch Garbo: Câu chuyện cá nhân của điệp viên thành công nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai) do ông và cựu chính trị gia người Anh Rupert Allason viết và xuất bản năm 1985 hay bộ phim thể loại tài liệu/chiến tranh Garbo: The Spy (tạm dịch: Điệp viên Garbo) của đạo diễn người Tây Ban Nha Edmon Roch ra mắt năm 2009.




Minh Anh (Theo Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem