Tỉnh nghèo xin làm sân bay: “Chưa cần thiết, có thể gây lãng phí”

Thành An Thứ năm, ngày 25/01/2018 06:30 AM (GMT+7)
“Khai thác khoáng sản, xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu những thành phẩm của bauxite nếu thấy cần thiết và mang lại hiệu quả thì nên xây đường sắt, nhưng chính nhà máy đó phải bỏ tiền ra xây dựng kiểu “tự anh nuôi anh” còn sân bay thì không nên xây dựng - TS Nguyễn Xuân Thủy (ảnh) - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ GTVT, chuyên gia nghiên cứu về giao thông - nhấn mạnh.
Bình luận 0

Mới đây, ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông - cho biết, tỉnh này đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng sân bay lưỡng dụng Nhân Cơ, đường sắt Đăk Nông - Chơn Thành sau năm 2020. "Trước khi đề xuất với Thủ tướng, địa phương cũng đã làm việc với nhiều bộ ngành để xin chủ trương trước. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã bàn bạc và tập trung chỉ đề xuất những vấn đề bức xúc nhất để xin được xem xét" - ông Bốn chia sẻ với báo chí.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên UBND tỉnh Đăk Nông đề xuất làm sân bay Nhân Cơ. Trước đó, vào tháng 1.2016, UBND tỉnh Đăk Nông đề nghị Bộ GTVT triển khai lập quy hoạch chi tiết và sớm thực hiện đầu tư sân bay hỗn hợp dân sự - quốc phòng Nhân Cơ nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đến tháng 6.2016, Đăk Nông tiếp tục có có văn bản đề nghị Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV NTNN, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, chuyện xây đường sắt và sân bay còn phụ thuộc vào nhu cầu lưu lượng đi lại và hàng hóa của tỉnh Đăk Nông đi các nơi khác, xem có có cần thiết hay không.

Theo TS Thủy, nếu một địa phương như Đăk Nông - tỉnh mới thành lập, số dân thưa thớt, khu công nghiệp chưa phát triển mạnh, thương mại cũng chưa phong phú mà xây thêm sân bay và đường sắt là không cần thiết. “Đường sắt là phương tiện vận chuyển rất lớn, lượng hàng phong phú, dồi dào thì mới xây đường sắt… Đăk Nông chỉ là một tỉnh nhỏ mà bây giờ xây đường sắt thì khá là lãng phí, không cần thiết” - TS Thủy nói.

Tuy nhiên, TS Thủy lại cho rằng, nếu Đăk Nông xây dựng đường sắt nối ra cảng biển để phục vụ nhu cầu liên quan đến nhà máy nhôm, quặng thì cần phải tính toán lại nếu thấy cần thiết. Vì việc đưa các sản phẩm của nhà máy bauxite ra cảng biển để tiêu thụ, xuất khẩu đi các mà dùng ôtô thì rất lãng phí do phải vận chuyển khối lượng lớn gây ra hiệu quả thấp… 

img

Một doanh nghiệp tặng quà cho các hộ nghèo tại xã Quang Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông.ảnh: Internet

Đối với việc đề xuất sân bay của Đăk Nông, chuyên gia này thẳng thắn cho rằng không nên xây dựng. Vì cả nước, đặc biệt các tỉnh lân cận đã có các sân bay khác, không phải người dân ai cũng đi lại bằng máy bay… nên nếu xây dựng sân bay thì tốn rất nhiều kinh phí và mang lại hiệu quả thấp.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu dừng xem xét việc điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ bản dự thảo quy hoạch điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, chính Bộ GTVT và một số địa phương lại có ý kiến về điều chỉnh vai trò, quy mô của một số cảng hàng không, sây bay.

Theo Phó Thủ tướng, việc này làm hạn chế tính đồng bộ trong việc xem xét tổng thể quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc. Do đó, để đảm bảo khách quan, khoa học, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT lựa chọn một đơn vị tư vấn có uy tín và mời các chuyên gia giỏi trong ngành hàng không để phản biện hồ sơ quy hoạch.

Trước đó, khoảng từ năm 2010-2011, sau khi có Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8.1.2009 (vào năm 2009 với số lượng 26 sân bay trên cả nước), nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, An Giang, Kon Tum, Bình Thuận… đề nghị xây dựng sân bay. Trong đó nhiều sân bay đã được triển khai trong thực tế. Tính dọc dải đất miền Trung đã sở hữu tới 3 sân bay quốc tế, bình quân ở khu vực này cứ khoảng 100km có một sân bay./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem