Tiqui - taca đang lỗi thời

Thứ tư, ngày 20/06/2012 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời kỳ làm mưa, làm gió ở mọi cấp độ giải bóng của đấu pháp tiqui - taca chuẩn bị kết thúc khi lối chơi này đã bị bắt bài.
Bình luận 0

Thất bại của Barcelona tại Champions League mùa 2011-2012 và sự nhọc nhằn của Tây Ban Nha tại vòng bảng EURO 2012 là những minh chứng điển hình.

Khi thế giới “đọc vị” được tiqui - taca

Tiqui - taca được coi là biến thể theo phiên bản hiện đại của chiến thuật tấn công tổng lực do người Hà Lan sản sinh ra cách đây mấy thập kỷ và trở thành thứ bóng đá đậm chất nghệ thuật khi HLV Pep Guardiola dẫn dắt Barcelona 4 mùa bóng vừa qua.

img
Khi nhạc trưởng Xavi (8) cạn kiệt ý tưởng, tiqui-taca của Tây Ban Nha dù vẫn đẹp mắt nhưng không còn hiệu quả

Với bộ khung cầu thủ Barca làm nòng cốt, đội tuyển Tây Ban Nha cũng áp dụng rất thuần thục tiqui - taca để trở thành bá chủ châu Âu lẫn thế giới. Hồn cốt của tiqui - taca là cách chơi dựa trên kỹ năng kiểm soát bóng, chuyền bóng ít chạm trong đoạn ngắn, bủa vây theo hình vòng cung của những tiền vệ sở hữu phẩm chất kỹ thuật siêu đẳng như Xavi, Iniesta và các tiền đạo biết cách chạy chỗ, đón đường chọc khe từ trung tuyến để ghi bàn.

Khi Barca hay Tây Ban Nha đá tiqui - taca, bao giờ cũng vậy, tỷ lệ kiểm soát bóng của họ luôn vượt trội so với đối thủ. Thời tiqui -taca mới “chào đời”, cả thế giới chẳng biết làm thế nào để chống đỡ mà điển hình là các danh hiệu vô địch ở những cấp độ cao nhất luôn thuộc về Barca và Tây Ban Nha. Nhưng, cái gì hay mà diễn mãi cũng nhàm. Thua nhiều quá, ai cũng vắt óc nghĩ cách khắc chế tiqui -taca và đến bây giờ, có vẻ như phương pháp vô hiệu hóa lối chơi này đã được phổ biến với biến thể của “xe bus hai tầng”.

Ở Champions League, đá sân Nou Camp, chỉ với 10 người, Chelsea đã biến Barca thành cựu vô địch. Tại EURO 2012, dù Tây Ban Nha vẫn đứng đầu bảng C, nhưng ngoại trừ trận thắng Cộng hòa Ireland quá yếu, họ đã phải trải qua 180 phút mướt mồ hôi, thậm chí có thời điểm đứng trước nguy cơ bị loại, khi đối đầu với những chuyên gia phong tỏa cách đá tiqui - taca của Italia và Croatia.

Nói không quá lời, nếu không gặp may mắn, bây giờ Tây Ban Nha đã trở thành cựu vương châu Âu bởi cách đá chọc khe, chọc khe rồi lại… chọc khe đến nhàm chán của họ đã bị “đọc vị” và trở nên bế tắc như những liều thuốc ngủ hạng nặng dành cho cổ động viên ngồi xem trên khán đài hay các khán giả theo dõi họ đá bóng qua tivi.

Phá cách với 4-6-0 hay kiệt quệ về ý tưởng?

Đến EURO 2012, dù đã mất chủ công David Villa (chấn thương), nhưng trong tay HLV Del Bosque vẫn còn nhiều chân sút thượng thặng mà Torres là điển hình. Mặc dù vậy, lúc khởi binh cũng như khi bế tắc, nhà cầm quân gốc Salamanca này bị đưa ra đội hình khá lạ mắt với chiến thuật 4-6-0 với Fabregas chỉ giữ vị trí trong phong cắm trên danh nghĩa. Nếu không có Navas tạo nên chút đột biến với khả năng khoan phá ở biên phải, Tây Ban Nha chẳng khác nào chú bò tót đâm đầu vào tảng đá nơi trung lộ của đối phương dù chiến địa này đã bị bịt kín.

Trong 3 trận vòng bảng, Tây Ban Nha luôn cầm bóng nhiều hơn, nhưng khi đối diện với hai đội biết cách khắc chế tiqui-taca là Italia và Croatia, họ chỉ ghi được vẻn vẹn 2 bàn.

Sau trận thắng vất vả Croatia 1-0 rạng sáng qua, tiền vệ Iniesta đã phải thừa nhận: “Chúng tôi đã chơi như bị tra tấn và may mắn là không thua”. Nghe thế là đủ hiểu. Xét về độ mềm mại, tài hoa, khéo léo, người Tây Ban Nha giờ vẫn là nhất ở EURO 2012. Nhưng xét trên phương diện hiệu quả, tiqui - taca của Tây Ban Nha đã trở nên lỗi mốt. Đội bóng nào giờ cũng biết cách đối phó với tiqui - taca và việc họ có thành công hay không đơn giản là phụ thuộc vào năng lực bản thân mà thôi.

Ở cấp độ câu lạc bộ, với Messi siêu đẳng nhưng Barca vẫn điêu đứng và thất bại trong mùa giải 2011-2012. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Tây Ban Nha không sở hữu một ai như Messi trong khi Xavi (nhạc trưởng của tiqui - taca) đã có dấu hiệu sa sút. Với rất nhiều điều đáng lo ấy, dù đã vượt qua vòng bảng, nhưng sẽ là bình thường nếu Tây Ban Nha trở thành cựu vô địch, khi tiqui - taca của họ đã trở nên lỗi thời.

HLV Nguyễn Hữu Thắng: Hy Lạp, Czech có thể làm nên chuyện

Nhận định về khả năng tiến sâu vào giải của “những chú ngựa ô”, HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Sẽ rất khó để Hy Lạp, CH Czech tạo nên bất ngờ. Nhưng trong bóng đá, luôn có 1-2% may mắn, và mọi chuyện đều có thể xảy ra”...

img
 

Tất cả các đội đều có sự chuẩn bị kỹ càng cho EURO, và họ sẽ càng thận trọng hơn khi bước vào những trận đấu loại trực tiếp kể từ vòng tứ kết. Ở EURO 1992, 2004, Đan Mạch, Hy Lạp lần lượt đã gây “sốc” nhưng nhìn lại thì ở thời điểm đó, trong đội hình của họ đều có những nhân tố xuất sắc, lực lượng đồng đều và đã tận dụng tốt những cơ hội dù là nhỏ nhất của mình. Còn với những gì Hy Lạp, Czech thể hiện ở vòng bảng, tôi nghĩ, rất khó để họ gây khó khăn cho những đội bóng lớn.

Thực tế, Hy Lạp và Czech nằm ở bảng đấu mà các đội bóng chỉ có chất lượng trung bình. Thử thách lớn nhất của họ là tuyển Nga vốn khá “non” lại có phần chủ quan sau khi khởi đầu EURO quá thuận lợi. Tuy nhiên, bất ngờ vẫn có thể xảy ra khi Hy Lạp, Czech đang hưng phấn, có lợi thế tâm lý khi lọt vào tứ kết đã là thành công đối với họ rồi. Trong khi đó, các đội bóng lớn lại chịu sức ép không nhỏ với mục tiêu đoạt Cúp. Khi Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia... tự yếu đi, thì đó là lúc “ngựa ô” với may mắn đồng hành sẽ làm nên chuyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem