Theo đó, thông tin từ luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện cho Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS của đạo diễn Việt Tú cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS với số thường yêu cầu bồi thường là hơn 7 tỷ đồng.
Đạo diễn Việt Tú tại buổi họp báo chiều 9.8.
Cụ thể, theo văn bản từ Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thông báo về việc thụ lý yêu cầu phản tố với bên nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và bên bị đơn là Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS.
Những vấn đề cụ thể Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS yêu cầu Toà án giải quyết:
- Buộc Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội phải thừa nhận vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” được xây dựng, kế thừa trên nền tảng đã có trước đó của vở diễn “Ngày xưa”.
- Buộc Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội thanh toán cho Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS khoản tiền 840.889.535đ gồm tiền lãi chậm trả, 10% doanh thu bán vé (tạm tính đến hết tháng 6.2017), chi phí phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5.2017 phải trả theo phụ lục phát sinh số 01.
- Buộc Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội bồi thường thiệt hại phát sinh cho Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do các hành vi vi phạm nêu trên, cụ thể là tương ứng với khoản 10% doanh thu bán vé bị mất đi do hành vi vi phạm nghĩa vụ của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội là 6.304.000.000đ (đây là số tiền chỉ tính cho phần doanh thu phát sinh tới hết năm 2018). Tổng cộng Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS yêu cầu Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội phải thanh toán số tiền là 7.143.025.895đ.
Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS sẽ chỉ đồng ý xem xét việc chuyển giao lại quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” sau khi Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS bao gồm việc thực hiện các yêu cầu nêu trên và bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS.
Ngoài ra theo tờ thông báo của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo này, người được thông báo phải nộp (hoặc gửi) cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Trường hợp cần gia hạn thì phải có đơn xin gia hạn gửi Toà án nếu rõ lý do để Toà án xem xét. Hết thời hạn nay mà người được thông báo không có ý kiến gì đối với yêu cầu của người khởi kiện thì Toà án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Đạo diễn Việt Tú thông tin tới báo chí tại buổi họp báo chiều ngày 9.8.2018 tại Hà Nội
Trước đó, theo báo Zing.vn đưa tin, tháng 10.2017, đạo diễn Việt Tú và Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội xảy ra mâu thuẫn trong quá trình xây dựng, thử nghiệm vở "Ngày xưa" (Thuở ấy xứ Đoài) và đi đến quyết định dừng hợp tác.
Vở thực cảnh sau đó phải dừng lại dù đã ra mắt báo chí và công diễn một số buổi. Tháng 11.2017, Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội gửi đơn kiện Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Đạo diễn Việt Tú đưa hình ảnh sân khấu của hai vở thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ngày xưa" có sự trùng nhau tại cuộc họp báo.
Ngày 13.4, trong buổi gặp gỡ báo chí tại TP.HCM, luật sư Phương Thảo, đại diện của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội cho biết đầu tháng 4, tòa án đã thụ lý đơn kiện.
Luật sư cho hay, Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội yêu cầu tòa án giải quyết hai vấn đề:
- Buộc Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS chuyển giao quyền chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài cho và Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội.
- Yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS phải bồi thường thiệt hại cho và Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Khoản bồi thường này bao gồm chi phí và Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội phải bỏ ra để đầu tư xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh khác thay thế cho vở diễn Thuở ấy xứ Đoài và chi phí mời luật sư tư vấn giải quyết vụ việc.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nguyễn Thị Minh Thái
Tại cuộc họp báo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Về việc sử dụng chất liệu của múa rối, tôi phát biểu trên tinh thần góc nhìn của người nghiên cứu. Nhà Thuỷ đình dưới chân núi chùa Thầy là một trong những nhà Thuỷ đình cổ kính nhất của múa rối nước Việt Nam. Với loại hình nghệ thuật múa rối nước, thì nhà Thuỷ Đình là điều không thể thiếu. Nhà Thuỷ đình được thiết kế trên mặt nước, và người điều khiển múa rối nước phải đứng sau nhà Thuỷ đình đó. Nguyên tắc của múa rối nước là các con rối được điều khiển bởi nghệ nhân thông qua cây gậy cách con rối 2m. Về mặt nguyên tắc, đạo diễn Việt Tú đã không sử dụng nhà Thuỷ đình đó cho phần phần múa rối nước trong thực cảnh "Ngày xưa" mà lại sử dụng ở một địa điểm khác thì đó được coi là sự sáng tạo. Tôi chỉ có thể nói vậy. Nếu bất cứ người nào sử dụng sự sáng tạo ấy mà không phải do chính mình nghĩ ra thì đó được gọi là "ăn cắp”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.