Ngay sau khi lễ khai mạc ASIAD 16 kết thúc, đạo diễn Trần Duy Á đã có cuộc trao đổi với giới truyền thông về quá trình chuẩn bị cho lễ khai mạc suốt hai năm qua.
Theo đạo diễn Trần Duy Á, hình ảnh toàn cảnh lễ khai mạc khiến người ta liên tưởng tới một chiếc bánh khổng lồ còn đài lửa ở giữa đội hình VĐV tựa như một ngọn nến.
Ông tự hào khẳng định: ASIAD 16 là lần đầu tiên và duy nhất tại một kỳ đại hội thể thao, ngọn lửa của tinh thần Olympic đã được thắp lên “giữa lòng” các VĐV tham dự, tạo ra sự gần gũi ấm cúng.
Ngoài ra, hình ảnh, ý nghĩa của việc dùng cây pháo bông thắp lửa ASIAD chính là muốn nhắc tới ngày Tết Nguyên đán của người Trung Hoa với mong muốn ASIAD thật sự trở thành ngày Tết sum vầy, ấm cúng của đại gia đình các đoàn thể thao châu Á.
|
Tổng đạo diễn Trần Duy Á giơ hai tay tại lễ khai mạc. |
Tuy nhiên, BTC đã phải dày công tính toán, đưa ra các phương án để vừa thực hiện được ý tưởng nghệ thuật vừa giữ an toàn tuyệt đối không để xảy ra điều gì đáng tiếc.
Có hai vấn đề lớn nhất mà BTC đặc biệt lưu tâm là giữ an toàn cho toàn bộ các VĐV đứng xung quanh khi cây pháo bông được thắp lên và hệ thống máy móc, cũng như nhân lực phục vụ quá trình di chuyển của 4 trụ, cột để rồi bắt khớp với đài lửa ở trên cao, hoàn tất việc tạo hình đài lửa.
Nếu như quá trình chế tạo cây pháo bông phải đáp ứng được những yêu cầu như pháo phải phụt lửa thẳng đứng tới 42m, tương đương chiều cao của đài lửa, trong tổng thời gian 30 giây, thì việc điều khiển hệ thống máy móc tạo dựng 4 cột trụ, bắt khớp với đài lửa (tổng trọng lượng 32 tấn) phức tạp hơn nhiều. Công việc này đã được giao cho binh đoàn Công binh 28 của quân khu Quảng Châu đảm nhận.
Ngay dưới mặt sân là một hệ thống chằng chịt các thiết bị kéo, móc, ray trượt... được điều khiển bằng cả công nghệ cũng như sức người. Đạo diễn Trần Duy Á cho biết, tại lễ khai mạc Olympic mùa đông Vancover 2009 đã từng xảy ra sự cố trong quá trình lắp ghép đài lửa di động, dẫn tới việc ngọn đuốc chỉ còn ba chân thay vì bốn đã khiến cho BTC ASIAD 16 và bản thân ông đặc biệt chú ý, bởi ngọn lửa là biểu tượng của một kỳ đại hội, tuyệt đối không thể để xảy ra sơ suất gì.
Nước chính là nguồn cảm hứng lớn nhất của tổng đạo diễn Trần Duy Á trong việc xây dựng chương trình khai mạc. Cũng vì vậy, lần đầu tiên tại một kỳ đại hội thể thao tầm cỡ, đã có một người dân bình thường, hoàn toàn không phải VĐV có thành tích hoặc người nổi tiếng được vinh dự tham gia vào quá trình châm đuốc tại lễ khai mạc.
Hình ảnh anh Wu Guo Zhong, một ngư dân làm nghề chài lưới trên sông, tay giương cao ngọn lửa thiêng của ASIAD, chạy như lướt trên mặt nước Chu Giang, chính là thông điệp mà đạo diễn muốn gửi tới bạn bè châu lục: “Quảng Châu và tất cả cư dân của thành phố năng động này đã sẵn sàng cho ngày hội thể thao khu vực”.
Trần Duy Á là đạo diễn, biên đạo nổi tiếng, hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Ông là Phó trưởng đoàn, giám đốc nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Phương Đông, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ biểu diễn Trung Quốc và Bắc Kinh. Trần Duy Á là Phó Tổng đạo diễn Lễ khai mạc và Bế mạc Olympic 2008.
“Cái đinh” của lễ khai mạc ASIAD 16 chính là tiết mục “Cánh buồm Bạch Vân” do các nam sinh tới từ Học viện Võ thuật Ta Gou, Hà Nam biểu diễn. Đây là điểm nhấn trong lễ khai mạc, bởi quá trình thực hiện các nhóm động tác tạo hình vô cùng phức tạp trên không, đòi hỏi các kỹ năng vận động có độ khó cao như nhào lộn... kết hợp với công nghệ ánh sáng, âm thanh, máy chiếu đã tạo ra các hình ảnh mang tính thẩm mỹ cao như: cánh chim bay, dãy núi, dòng sông... và gây được ấn tượng mạnh với người xem.
Đạo diễn Trần Duy Á cho biết, màn biểu diễn này đã phải chuẩn bị trong suốt 15 tháng với 1.640 em học sinh 13 - 17 tuổi. Để điều khiển, hỗ trợ một người “bay lượn” trên không ở độ cao từ 40 đến 80m, cần có 7 người cầm cáp di chuyển dưới mặt đất.
Trong quá trình tập luyện ròng rã hơn một năm trời, tính bình quân mỗi ngày các học sinh đã phải di chuyển quãng đường tương đương gần 10km.
|
Tổng đạo diễn Trần Duy Á |
Một điểm đặc biệt, chưa có tiền lệ của những nhà tổ chức ASIAD lần này chính là đã đưa sân khấu chính của ASIAD 16 ra ngoài phạm vi của một sân vận động. Địa điểm tổ chức lễ khai mạc chính là đoạn “đuôi cá” - hạ lưu Chu Giang - đoạn qua thành phố Quảng Châu. .
Đạo diễn Trần Duy Á tâm sự: Khi bài hát chính thức của ASIAD 16 "Trùng phùng" do hai ca sỹ Xun Nan và Mao A Min thể hiện cất lên ở cuối chương trình, ông và các đồng nghiệp đã không thể nào ngăn được những giọt nước mắt, 6 năm chuẩn bị đã khép lại và Quảng Châu đã làm hết sức mình, sẵn sàng chào đón các VĐV bước vào 16 ngày thi đấu trước mắt.
Huy Long (từ Trung Quốc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.