Tuy nhiên, ông Morsi khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vẫn sẽ được tổ chức vào ngày 15.12 như dự kiến. Bản Hiến pháp cũ được công bố ngày 22.11 vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe đối lập và dân chúng vì họ cho rằng, Tổng thống Morsi đã dùng hiến pháp để mở rộng quyền lực và đảm bảo quyền miễn trừ cho chính ông.
|
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. |
Ông Selim al-Awa, một trong 40 người tham dự cuộc gặp kéo dài với ông Morsi để giải quyết căng thẳng giữa chính phủ và những người biểu tình cho hay: "Tuyên bố Hiến pháp tạm thời bị hủy bỏ". Ông Awa cho biết cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp vẫn được tiến hành như dự kiến vào ngày 15.12 vì về căn cứ theo hiến pháp, Tổng thống Morsi không thể thay đổi thời điểm này.
Tuyên bố Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân là hai vấn đề gây tranh cãi dữ dội để dẫn đến cuộc biểu tình chống Tổng thống Morsi khiến Ai Cập chao đảo suốt hai tuần qua. Giới lãnh đạo đối lập đã yêu cầu hủy bỏ tuyên bố Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân trước khi họ tham gia bất cứ cuộc đối thoại nào với ông Morsi nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng, vốn bùng phát thành đụng độ trên đường phố làm 7 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Trước đó, ngày 8.12, hơn 40 đại diện các lực lượng chính trị và chuyên gia pháp lý Ai Cập đã tham gia cuộc “đối thoại dân tộc” kéo dài gần 9 giờ, theo lời kêu gọi của Tổng thống Morsi. Tuy nhiên, phần lớn các lực lượng chính trị đối lập đã tẩy chay cuộc đối thoại này trong khi đám đông người biểu tình đối lập vẫn tiếp tục tập trung trước Phủ Tổng thống. Các nhà lãnh đạo đối lập nổi bật như các cựu ứng cử viên tổng thống Mohamed ElBaradei, Hamdeen Sabbahi và Amr Moussa đã không tham dự cuộc họp này.
T.V
Theo CNN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.