Tổng thống Mỹ cam kết truy quét IS tới "cùng trời cuối đất"

Thứ năm, ngày 11/09/2014 08:39 AM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ truy đuổi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tới "cùng trời cuối đất" bằng các cuộc không kích, đồng nghĩa với việc cho phép không kích Syria.
Bình luận 0

 

img 
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về quyết định cho phép không kích IS ở Iraq hồi tháng trước (Nguồn: AP)

Theo AP, trong bài phát biểu toàn quốc được truyền hình phát sóng vào khung giờ vàng ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ truy đuổi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tới "cùng trời cuối đất" bằng các cuộc không kích.

Tuyên bố trên là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ sẽ tấn công các phần tử thánh chiến IS bên trong lãnh thổ Syria.

Theo các trích đoạn của bài phát biểu được Nhà Trắng công bố trước, Tổng thống Obama cũng sẽ cam kết viện trợ cho "các lực lượng đối tác" tác chiến trên bộ ở Syria và Iraq, song khẳng định lính chiến Mỹ sẽ không tham chiến trên bộ ở nước ngoài.

Ông cho hay Washington sẽ lãnh đạo "một liên minh lớn" để đẩy lùi, làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt tận gốc IS.

img

 

Chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Obama cho biết thêm chiến dịch chống IS sẽ khác các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan và có nét giống nỗ lực chống khủng bố của Mỹ ở Yemen và Somalia, nơi Washington đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong những năm qua.

Liệu Nhà nước Hồi giáo IS có bị xóa sổ nếu thủ lĩnh bị tiêt diệt?

Cây bút Graeme Wood của tờ The New Republic vừa đưa ra tuyên bố táo bạo: Mỹ nên tìm cách săn lùng và tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc ISIS) tự xưng, qua đó chặn đứng sự trỗi dậy của lực lượng này.

Tuy nhiên ngay lập tức đã có ý kiến phản hồi rằng Mỹ chắc chắn đã từng thử tìm cách tiêu diệt al-Baghdadi. Quan trọng hơn, việc giết nhân vật này sẽ mang tới những tác động nào tới IS.

Hiện chính quyền Mỹ đã treo thưởng số tiền 10 triệu USD lên cái đầu của nhân vật này, khiến ông ta nằm trong danh sách các mục tiêu hàng đầu phải tiêu diệt như thủ lĩnh Taliban Mullah Omar.

Ngoài ra, có nhiều khả năng những chiếc máy bay không người lái và lính đặc nhiệm đang tìm kiếm al-Baghdadi. Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng có thể đang phân tích hàng kho dữ liệu tình báo tín hiệu để xác định nơi ẩn náu của ông này. Đó là chưa kể tới việc chuyên gia tình báo từ khoảng một chục quốc gia cũng đang làm điều tương tự.

img 

Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào al-Baghdadi, Mỹ có thể sẽ rơi vào một cái bẫy đơn giản hóa thực tế. Họ tưởng rằng việc triệt hạ nhân vật đầu não sẽ khiến một tổ chức khủng bố sụp đổ. Thực tế không hề như vậy.

Al Qaeda không biến mất vào sọt rác của lịch sử, dù Osama bin Laden bị tiêu diệt. Tương tự, Hamas không mất đi, dù Israel đã giết được nhiều lãnh đạo của tổ chức.

Mỹ đã từng có không ít lần tiêu diệt lãnh đạo các tổ chức tiền thân của ISIS. Một vụ không kích đã giết chết sáng lập viên của lực lượng Al Qaeda ở Iraq là Abu Musab al-Zarqawi hồi tháng 6.2006. Một viên đạn pháo xe tăng cũng giết chết 2 lãnh tụ khác của Al Qaeda ở Iraq là Abu Ayyub al-Masri và Abu Omar al-Baghdadi hồi năm 2010. Tuy nhiên IS đang mạnh hơn bao giờ hết.

Có thể khao khát giết chết al-Baghdadi hình thành từ thói quen cá nhân hóa kẻ thù của người Mỹ, biến những kẻ thù vô hình thành mục tiêu xác thịt, có tên gọi.

Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thực sự tóm được al-Baghdadi. Thật khờ khạo nếu tin rằng, với việc al-Baghdadi bị bắt, ISIS sẽ bị thiệt hại nặng. Dường như al-Baghdadi đã hoạt động khủng bố trong một thời gian dài. Gã biết rõ lịch sử của IS và Iraq. Gã đã sống sót đủ lâu để trở thành vị "Giám đốc điều hành" của IS.

Và giống như trong mọi công ty làm ăn tốt, IS chắc chắn đã có một kế hoạch thay người, trong tình huống al-Baghdadi bị triệt hạ. Làm sao người ta có thể đoan chắc về chuyện này? Đơn giản bởi các tổ chức khủng bố như IS đã từng làm thế trước đây. Ví dụ Zarqawi bị giết trong ngày thứ Tư. Chỉ thứ Hai tuần tiếp theo, người kế nhiệm của ông này đã xuất hiện

IS, giống nhiều tổ chức tiền thân, chắc chắn có một hội đồng shura, sẵn sàng chọn lãnh đạo thay thế nếu al-Baghdadi bị giết.

Hiển nhiên Mỹ sẽ vẫn tìm cách tấn công, tiêu diệt al-Baghdadi bất khi nào có thể. Nhưng giết một người không bao giờ là đủ để triệt hạ IS. Thay vì thế, người Mỹ phải tấn công cả hệ thống để có được thành công.

Việc này sẽ yêu cầu sự hợp tác rộng rãi trong cộng đồng tình báo và quân sự, bên cạnh các nỗ lực ngoại giao với cả đồng minh và kẻ thù. Người Mỹ thậm chí còn phải thực hiện các hành động ác độc để thắng IS. Đó là điểm xấu xí trong cuộc chiến chống khủng bố - một hoạt động rất mất thời gian và buộc người ta phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn, không hề dễ dàng như trên phim ảnh.

 

 

(Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem