Top 20 cầu thủ đắt giá nhất ĐNÁ: Nguyễn Filip đứng thứ mấy?
Top 20 cầu thủ đắt giá nhất ĐNÁ: Nguyễn Filip đứng thứ mấy?
Thứ hai, ngày 09/09/2024 13:10 PM (GMT+7)
Bóng đá Việt Nam tỏ ra lép vế trước các quốc gia khác trong khu vực về số cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất khi chỉ có Nguyễn Filip nằm trong top 20 của Đông Nam Á.
Mới đây, bóng đá ĐNÁ như xôn xao trước thông tin, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) sắp hoàn tất thủ tục nhập tịch với một nhân tố “khủng”. Đó là trung vệ trẻ Mees Hilgers sinh năm 2003, đang thi đấu tại Hà Lan cho CLB Twente. Trên trang Transfermarkt, cầu thủ này được định giá 7 triệu euro, biến anh trở thành nhân tố của một ĐTQG ĐNÁ có mức phí chuyển nhượng cao nhất tại khu vực. Đoàn quân HLV Shin Tae-yong đã đứng trước cơ hội sở hữu thêm 1 gương mặt chất lượng để tăng cường sức mạnh.
Với chính sách nhập tịch ồ ạt, Tim Garuda đang thật sự là một thế lực khó bị đánh bại với tham vọng vươn tầm châu lục và thế giới. Bên cạnh Mees Hilgers, họ còn đang sở hữu 5 nhân tố khác nằm trong top 7 cầu thủ của ĐTQG đắt giá nhất khu vực gồm Thom Haye (3 triệu euro), Jay Idzes (2.5 triệu euro), Calvin Verdonk (2.5 triệu euro), Maarten Paes (1.5 triệu euro) và Sandy Walsh (1.3 triệu euro). Trong top 20 tại ĐNÁ, đội tuyển xứ vạn đảo có 11 cái tên góp mặt. Tất nhiên, giá trị chuyển nhượng cao cũng kèm theo chất lượng trong các màn trình diễn và đoàn quân HLV Shin Tae-yong đang thật sự đáng gờm khiến nhiều người phải mơ ước.
Trong số 20 cái tên của các ĐTQG đắt giá nhất khu vực, Thái Lan xếp thứ 2 với 6 nhân tố gồm Supachai Chaided (1 triệu euro), Chanathip Songkrasin (1 triệu euro), Supachok Sarachat Kaman (900 nghìn euro), Suphanat Mueanta Kaman (800 nghìn euro), Ekanit Panya Kaman (500 nghìn euro) và Kritsada Kaman (500 nghìn euro). Một nhân tố đáng chú ý khác là cầu thủ gốc Anh Perry Ng - người sắp khoác áo ĐT Singapore với giá trị lên tới 3,8 triệu euro, xếp thứ 2 trong danh sách.
Với bóng đá Việt Nam, chúng ta chỉ có 1 cái tên duy nhất góp mặt là Nguyễn Filip. Người gác đền Việt kiều Czech được định giá 550 nghìn euro, xếp thứ 16 trong top 20 ở khu vực ĐNÁ. Điều này cũng phản ánh thực trạng của môn thể thao vua tại dải đất hình chữ S khi chúng ta có dấu hiệu tụt dốc trong giai đoạn gần đây. Việc chưa đẩy nhanh chính sách nhập tịch với những cầu thủ tốt khiến chất lượng của ĐTQG có phần đi xuống, trong khi nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều đó ảnh hưởng lớn đến thành tích của Những chiến binh Sao Vàng.
Cái khó của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại nằm ở cơ chế cho việc nhập tịch cầu thủ còn nhiều thủ tục. Hơn thế nữa, nếu như Indonesia có nguồn cầu thủ chất lượng mang gốc gác xứ vạn đảo thật sự dồi dào thì với Những chiến binh Sao Vàng, lực lượng Việt kiều dẫu nhiều nhưng không phải ai cũng đảm bảo yêu cầu về chuyên môn để khoác áo ĐTQG. Màn trình diễn của 1 số cầu thủ mang dòng máu Lạc Hồng từ nước ngoài đến V.League thi đấu thời gian qua là ví dụ điển hình.
Dẫu vậy, theo xu thế chung của khu vực và thế giới, chính sách nhập tịch với bóng đá Việt Nam vẫn là điều nên được tính tới và thực hiện sớm. Những người có trách nhiệm cần tìm kiếm các nhân tố thực sự chất lượng và thực hiện chính sách thu hút họ, tạo cơ chế mở để thu hút nhân tài. Bởi lẽ, vẫn còn đó nhiều cái tên Việt kiều và cầu thủ ngoại chất lượng muốn nhập tịch. Patrik Lê Giang, Rafaelson, Jason Quang Vinh Pendant hay Ibrahim Maza là những ví dụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.