TP.HCM: Huy động toàn bộ các bệnh viện sẵn sàng nhận bệnh nhân Covid-19
TP.HCM: "Căng" nguồn nhân lực y tế, huy động toàn bộ các bệnh viện sẵn sàng nhận bệnh nhân Covid-19
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 15/07/2021 18:14 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, sắp tới TP.HCM sẽ phải cần khoảng 1.500 bác sĩ (200 bác sĩ hồi sức), cùng 5.500 điều dưỡng (800 - 1.000 điều dưỡng hồi sức) và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị.
Tại Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, điểm thuận lợi nhất của trung tâm này chính là cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn).
Để vận hành trung tâm này, ngành y tế huy động các y, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP cùng với đội ngũ do Bộ Y tế điều động từ các tỉnh thành.
"Nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại là rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh sẽ cần khoảng 200 nhân lực y tế. Và nguồn nhân lực này vẫn sẽ rất cần trong thời gian tới khi số người mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng cao", ông Thượng nói.
Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 4 đơn vị được giao bố trí 300 giường hồi sức tích cực, cũng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị máy móc.
TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong đợt dịch này, bệnh viện đã huy động 181 nhân sự chi viện cho 6 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức 1.000 giường. Các nhân viên đều phải gồng gánh công việc cho nhau, hầu như không ai nghỉ ngơi. Sắp tới đây việc bố trí nhân sự cho 300 giường hồi sức, theo ông Thức, không phải chuyện dễ mà phải "rất căng kéo".
Không chỉ ở khối điều trị bệnh nhân nặng cần hồi sức, các bệnh viện dã chiến nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng đang thiếu hụt nhân viên y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng. Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.
Còn bác sĩ Phạm Gia Thế, phụ trách Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 cho biết, sau 7 ngày hoạt động, bệnh viện tiếp nhận 2.000 ca không có triệu chứng. Từ 25 nhân viên y tế ban đầu, bệnh viện vừa được chi viện 2 lần đến nay nâng tổng số 100 người. Ngoài ra bệnh viện được bố trí thêm 90 dân quân và 10 tình nguyện viên hỗ trợ.
"Bệnh viện rất cần chi viện thêm y bác sĩ mới có thể chăm sóc chu đáo cho người bệnh. Ngoài ra, số bệnh nhân quá lớn nên việc cung ứng các đồ dùng cá nhân cho bệnh nhân vẫn chưa thể đáp ứng" - ông Thế nói.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ cho biết, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân và cũng thiếu bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện điều trị F0 có triệu chứng, thường xuyên vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên nhưng hiện không có xe cứu thương, có khi phải đợi vài tiếng mới có xe từ các bệnh viện tiếp ứng.
Cần khoảng 1.500 bác sĩ và 5.500 điều dưỡng
Theo Sở Y tế, thời gian qua TP.HCM đã tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (có 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức) và kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn hỗ trợ công tác điều trị.
Sắp tới TP.HCM sẽ phải cần khoảng 1.500 bác sĩ (200 bác sĩ hồi sức), cùng 5.500 điều dưỡng (800 - 1.000 điều dưỡng hồi sức) và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị.
Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi tất cả các bệnh viện của thành phố, quận huyện và Trung tâm cấp cứu 115 về việc sẵn sàng ứng phó điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, bệnh viện tuyến cuối sẵn sàng chi viện về nhân sự, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao... cho Bệnh viện hồi sức Covid-19 khi được Sở Y tế điều động.
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khẩn trương xây dựng phương án "bệnh viện tách đôi" (một nửa tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19, nửa còn lại dành tiếp nhận người mắc Covid-19) đảm bảo 2 khu vực được tách biệt và có cổng đi riêng.
Phân công nhân sự cho 2 "bệnh viện tách đôi" và hỗ trợ các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19. Các bệnh viện phải hoàn thiện kế hoạch trong ngày 14/7 và sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ kể từ khi có chỉ đạo của ban giám đốc Sở Y tế.
Các bệnh viện được phân công thu dung điều trị Covid-19 với người bệnh nghi nhiễm, nhiễm được xem như các trường hợp cấp cứu cần phải được chuyển ngay vào bệnh viện có chức năng cách ly, điều trị kịp thời.
Trường hợp người nghi nhiễm, nhiễm là người nước ngoài không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, nếu tình trạng nặng sẽ được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoặc Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.