TPHCM chi hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập, ngập càng nặng hơn(?!)

Hữu Ký Thứ ba, ngày 23/05/2017 16:18 PM (GMT+7)
Hàng loạt dự án chống ngập đã và đang được triển khai tại TP.HCM với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng ngập tại thành phố vẫn chưa giảm, thậm chí một số chuyên gia dự báo trong tương lai thành phố sẽ còn ngập nặng hơn(?!).
Bình luận 0

Dự án nhiều vẫn ngập

Cách đây từ hàng chục năm, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt dự án chống ngập, cải thiện môi trường quy mô lớn. Tại các lưu vực đều có các dự án với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án chống ngập nhỏ, chống ngập cục bộ cho các khu dân cư cũng được triển khai và đưa vào sử dụng. Đến nay thành phố tiếp tục chống ngập bằng cách thực hiện dự án chống ngập 10 ngàn tỷ, cùng hàng chục dự án tại các quận, huyện.

Tuy nhiên theo ghi nhận của Dân Việt, dù có nhiều dự án nhưng tình trạng ngập tại thành phố chưa được xử lý triệt để, đến mùa mưa người dân lại phải sống chung với ngập. Điển hình, các cơn mưa giữa tháng 5.2017 dù không quá lớn nhưng gây ngập hàng loạt tuyến đường cùng nhiều khu dân cư thuộc các quận: 2, 7, Bình Thạnh, Thủ Đức...

Ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - xác nhận, đến nay thành phố còn khoảng 40 điểm ngập. Trong năm nay, các cơ quan chức năng chỉ đăng ký xóa 12 điểm ngập.

img

Khi có mưa, nhiều tuyến đường tại TP.HCM lại ngập. (Ảnh: H.K) 

Còn theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, tình trạng ngập tại thành phố còn phức tạp. Thống kê của trung tâm cho thấy, thành phố có 35 tuyến đường, gần 180 hẻm thường xuyên bị ngập nước. Các khu vực bị ngập chủ yếu do có địa hình trũng thấp hoặc do hệ thống thoát nước bị xâm hại, không phát huy hiệu quả chống ngập.

Trung tâm này đang tập trung giải quyết ngập nước trên 11 tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố, đồng thời sớm hoàn thành 87 công trình nạo vét sông, kênh, rạch tại các quận, huyện. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang đề xuất gắn hàng loạt camera giám sát, cảnh báo ngập úng trên các tuyến đường để hỗ trợ chống ngập tại thành phố.

Có thể còn ngập nặng hơn

Một số chuyên gia nhận định thành phố còn thụ động, chưa đột phá trong chống ngập nên không khó hiểu khi mưa xuống là ngập. Dù có nhiều dự án, công trình chống ngập nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc chống ngập chưa đáp ứng được do nhiều công trình đã lỗi thời.

TS Phạm Sanh (chuyên gia về đô thị) nhận định, cách chống ngập tại TP.HCM bao nhiêu năm vẫn không thay đổi, càng ngày ngập tại thành phố càng nặng và như một "bệnh nan y".

Ông Sanh cho biết, có nhiều dự án chống ngập không phù hợp, không kết nối được với hệ thống thoát nước cũ nhưng lại không được xem xét, khắc phục. Vào mùa mưa, khi ngập thấy rõ thì thành phố dường như mới tập trung chống ngập rầm rộ, còn vào mùa khô thì các dự án chống ngập lại làm ì ạch.

Với cách chống ngập như hiện tại, TS Trương Văn Hiếu (nguyên giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng, cán bộ Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam) nhận định, nếu không nghiên cứu lại thì khả năng TP.HCM ngày càng ngập nặng hơn sẽ rất cao.

TS Hiếu cho rằng, các dự án chống ngập thành phố đang làm dàn trải, không tính toán kỹ. Theo chu kỳ tràn cống, cứ 2 năm lượng mưa là 85mm, 3 năm là 100mm và 5 năm là 115mm, nhưng thành phố lại không dựa theo đó để đưa ra các thông số kỹ thuật cho các dự án chống ngập. Tình trạng này dẫn đến việc thi công các cống thoát nước nhỏ hơn so với yêu cầu thực tế và bị quá tải, thậm chí ngay cả những khu đô thị mới vẫn còn dùng các cống phi 30, 40.

TS Hiếu dẫn chứng, trạm bơm Thị Nghè (chống ngập cho hàng ngàn hộ dân trong lưu vực) công suất trên dưới 100m3/s, trong khi mưa lớn lưu lượng nước chảy xuống các cống của dự án này lên đến khoảng 600m3/s. Tương tự cống thoát nước dưới đường Nguyễn Văn Trỗi dẫn nước từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có 2 cống mỗi cống rộng 6m, cao 2m. Để đáp ứng được yêu cầu thoát nước thì đáng lẽ ra mỗi cống phải lên rộng đến 16m.

Để chống ngập, TS Hiếu cho rằng thành phố cần phải xem xét, đánh giá lại các dự án chống ngập để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, vì việc này không hề dễ dàng.  

Theo Trung tâm Chống ngập, trong giai đoạn 2016 - 2018 TP.HCM sẽ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 8/17 tuyến đường; hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 13/23 tuyến bị ngập nước. Bên cạnh đó các quận, huyện cũng sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem