Theo công văn phúc đáp của Bộ Xây dựng, về cơ sở pháp lý, căn cứ Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và Khoản 2, Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc đề xuất thành lập thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp quy định của pháp luật.
Các tiêu chuẩn thành lập thành phố đã được quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Bộ Xây dựng cho rằng TP.HCM chưa đủ cơ sở pháp lý để thành lập "thành phố phía Đông" trực thuộc thành phố. Ảnh: V.D
Theo Công văn số 1157/UBND-TH, đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức của UBND TP.HCM đã áp dụng quy định khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính phù hợp với quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố phía Đông TP.HCM và áp dụng "không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp" là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng không quy định các vấn đề có liên quan đến việc thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.
Hơn nữa, TP.HCM chưa hoàn thành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP.HCM giai đoạn 2019-2021.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM, chỉ đạo Sở Nội Vụ, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện việc lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã tại thành phố theo quy định của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã (trong đó có phương án sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện là quận hoặc đơn vị hành chính tương đương).
Bộ Xây dựng cũng nhận định, theo 2 Công văn nói trên, UBND TP.HCM đã có định hướng quy hoạch phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố nhưng chưa nêu rõ khu vực dự kiến hình thành đô thị đã có Quy hoạch chung đô thị, Chương trình phát triển đô thị được nghiên cứu, trình phê duyệt hay chưa.
Quy hoạch chung TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/01/2010 chưa có nội dung định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.
Do đó, căn cứ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch và chủ trương về việc thành lập thành phố sáng tạo phía Đông thành phố, là cơ sở để lập Quy hoạch chung thành phố phía Đông, Chương trình phát triển đô thị thành phố phía Đông trực thuộc thành phố.
Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị, việc đánh giá phân loại đô thị phải tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Đối với hồ sơ phân loại đô thị, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13.
UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị xây dựng Đề án công nhận loại đô thị tương ứng với hiện trạng theo quy định.
Trước đó, ngày 24/4, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sang tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM. Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban.
Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tăng cường cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức); nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính thành phố hướng Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.