TP.HCM: Định hướng gộp quận 2, 9 và Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông

Nam Sơn Thứ tư, ngày 01/08/2018 06:00 AM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại một hội thảo cuối tuần trước cho biết, TP.HCM định hướng gộp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông. Theo các chuyên gia, nhân tố quan trọng nhất để xây dựng thành công đô thị sáng tạo chính là yếu tố con người bên cạnh vai trò "bà đỡ" từ chính quyền, các trường đại học và doanh nghiệp tư nhân.
Bình luận 0

Lý giải lý do vì sao chọn 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường Đại học lớn ở Thủ Đức có trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và 100.000 sinh viên. Do đó, quận Thủ Đức sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Quận 2 có Khu Đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp nhiều hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau nên ở đây sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của thành phố. Quận 9 sẽ là quận nghiên cứu và phát triển vì có Khu công nghệ cao TP.HCM thành công nhất ở Việt Nam.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng đô thị sáng tạo có khái niệm rất rộng, không có định nghĩa nào duy nhất, ở mỗi thành phố tùy thuộc vào đặc điểm của mình mà sẽ có cách phát triển khác nhau. Tuy nhiên, ông Ousmane Dione nhấn mạnh nhân tố quan trọng nhất để xây dựng thành công đô thị sáng tạo chính là yếu tố con người.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Giáo sư Jeong-Ho Kim, Giám đốc Đại học Gangwon, Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc có đến 20 khu đô thị thông minh (hay còn gọi là khu đô thị sáng tạo) lớn nhỏ, diện tích của đô thị sáng tạo TP.HCM lớn gấp 20 lần so với đô thị sáng tạo Pangyo, đủ sức để phát triển công nghệ tiên tiến, thương mại cũng như giáo dục, văn hóa… Tuy nhiên, TP.HCM cần phải nhận dạng các khu vực có tiềm năng phát triển tốt để phát triển công nghệ cao, khu dân cư thương mại cao cấp, các trường - viện, đồng thời gom lại tạo thành các cụm để tương tác phát triển với nhau…

“Ở đô thị sáng tạo, người dân cần có tư tưởng cởi mở để sẵn sàng chia sẻ thông tin, ngược lại cần có sự thay đổi thái độ của các cơ quan quản lý chính quyền trong việc thực hiện công việc một cách minh bạch, hiệu quả”, Giáo sư Jeong-Ho Kim nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định việc xây dựng một thành phố thông minh không chỉ áp dụng các sản phẩm công nghệ thông minh mà quan trọng là xây dựng được cộng đồng dân cư văn minh. Con người chính là chủ thể để xây dựng nên thành phố thông minh. Vì vậy, dân trí cần được nâng cao, nhận thức của người dân phải thực sự thay đổi trong vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan sống.

Đối với lĩnh vực giao thông, chính quyền thành phố cần xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng thì người dân cần ủng hộ bằng cách tham gia đi lại bằng phương tiện công cộng. Người dân phải chấp nhận thay đổi một số thói quen mà tưởng chừng khó thay đổi như không đi xe máy. Văn minh chỉ được tạo ra khi ý thức thay đổi, hướng đến cái chung vì cộng đồng.

Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và thực hiện các giải pháp thông minh bằng sản phẩm công nghệ thông tin thì người dân cũng phải theo kịp bằng cách tự học trên mạng, phải thay đổi để đáp ứng yêu của xây dựng một thành phố thông minh.

img

Khu công nghệ cao Sài Gòn thuộc quận 9 nằm trong đề án đô thị sáng tạo phía Đông

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lưu ý, 3 trụ cột để phát triển thành công đề án đô thị sáng tạo là khu vực công, khu vực đại học và tư nhân. Trong khu vực công, chính quyền giữ vai trò "bà đỡ", định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo, thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông. Đồng thời thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc một cửa, thực hiện chế độ ủy quyền đầy đủ cho cán bộ, công chức giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh nhất.

HoREA cũng đề xuất ý tưởng hợp nhất các quận 2, 9 và Thủ Đức trở thành một không gian đô thị thống nhất theo mô hình thành phố trong TP.HCM. Khu vực đại học gồm Đại học quốc gia TP.HCM cùng với các trường đại học trên địa bàn thành phố là hạt nhân tri thức sáng tạo. Cần phải có chương trình, kế hoạch, đề tài để hợp tác, gắn kết với khu vực tư nhân, trước hết là với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, để kết nối giữa khu vực tri thức sáng tạo với nhu cầu của khu vực sản xuất.

“Khu vực tư nhân là một trụ cột, là động lực của khu đô thị sáng tạo và cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả. Doanh nghiệp tư nhân, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản là nhà đầu tư các dự án, công trình đáp ứng các tiêu chuẩn của khu đô thị sáng tạo”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA phát biểu. 

Theo HoREA, phát triển bất động sản trong khu đô thị sáng tạo không chỉ là phát triển bất động sản kiểu truyền thống, mà còn phải là phát triển bất động sản xanh, xây dựng khu đô thị thông minh, khu dân cư thông minh… Khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi ươm mầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cung cấp những tiện ích và dịch vụ mới phục vụ người dân, giải phóng năng lượng sáng tạo của con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem