TP.HCM: Vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế

Bạch Dương Thứ ba, ngày 21/04/2020 13:23 PM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất trong 3 tháng nữa, các ngành dịch vụ của TP.HCM quay trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Để được như vậy, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Bình luận 0

img

Lãnh đạo TP.HCM kiểm tra tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong dịch Covid-19.

Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tổ chức các giải pháp đồng bộ, bài bản, hiệu quả về phòng chống dịch Covid-19, lây nhiễm tới đâu, khoanh vùng, cách ly tới đó, nhờ vậy, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Cùng với đó, chính quyền và các đoàn thể đã có kế hoạch và triển khai chăm lo cho người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.  

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, cả nước có 268 ca nhiễm thì có tới 163 người từ nước ngoài về. Riêng tại TP.HCM, trong 54 ca có 35 ca từ nước ngoài về.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng phòng dịch càng tốt thì hiệu quả chống dịch càng cao, hay có thể gọi là “không có dịch”. Và nếu không có dịch, sống và sản xuất phải như không có dịch, nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, thành phố cần sẵn sàng tinh thần thích ứng với hoàn cảnh “vừa chống dịch, vừa phải duy trì đời sống sản xuất”. 

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng khi trở lại trạng thái bình thường mới, trước tiên, thành phố cần có lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động đời sống, xã hội, dịch vụ; ít nhất trong vòng 3 tháng (tháng 5 đến tháng 7), quy mô được tăng dần lên và trở lại quy mô như cũ. Đề cập kỹ hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của TP sắp tới, Bí thư Nhân chỉ đạo các ngành, lĩnh vực phải có lộ trình mở ra sau "đóng cửa" khi cách ly xã hội do dịch Covid-19.

Về sản xuất kinh doanh, từ nay đến tháng 5, thành phố cần tập trung ưu tiên triển khai các chính sách Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp; có kế hoạch để đến giữa tháng 5, các doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 4; xây dựng Bộ tiêu chí sản xuất kinh doanh an toàn để các doanh nghiệp phấn đấu thực hiện.

Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phát triển cần song song với chương trình kết nối doanh nghiệp, nhất là việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng.

Bí thư Nhân nhấn mạnh, nếu nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố tiếp tục giảm thì không có cách nào phát triển, tăng trưởng kinh tế được. Trong quý I, số doanh nghiệp giải thể tăng hơn 50% so với cùng kỳ, doanh nghiệp tạm ngưng tăng gần 32%. Đây là hậu quả tất yếu khi không có khách hàng tiêu dùng.

img

TP.HCM cố gắng khôi phục tình hình kinh tế - xã hội trong 3 tháng tiếp theo.

Trong lĩnh vực sản xuất, những mặt hàng gắn với xuất khẩu vẫn duy trì ở mức khá. Trong đó, xuất khẩu tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung ở hàng điện tử, máy tính. Tính chung, xuất khẩu trong quý đạt hơn 9,85 tỷ USD trong quý 1. Trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM, ngành điện tử (tăng 11%), hóa chất (tăng 8%) vẫn tăng, nhưng dệt may và cơ khí giảm. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn đang sản xuất và sắp tới có cơ hội tăng trở lại.

Về công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố cần tích cực triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ, huy động tổng nguồn lực trong xã hội, không để xảy ra tình trạng cùng cực là nguyên nhân của các hành vi sai trái.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã chủ động sẵn sàng chuyển sang trạng thái mới để phát triển kinh tế khi dịch trong tầm kiểm soát, dù có thể phát sinh ca mới nhưng không hình thành ổ dịch, không lây lan ra cộng đồng, từ đó kéo giảm và điều trị dứt điểm các ca nhiễm. TP.HCM đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2020, dự báo chỉ số phát triển của từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có giá trị gia tăng cao nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể. 

Mức tăng trưởng năm nay TP.HCM đề ra là từ 8,3 - 8,5% và sẽ cố gắng xây dựng kịch bản đạt mức như dự kiến, cố gắng đạt các chỉ tiêu đã đề ra. Thành phố sẽ thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh, làm cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất các gói hỗ trợ của Chính phủ. Chú trọng chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với các giải pháp và kinh phí phù hợp. Triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh. Tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm chi…

“TP.HCM chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, vì sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, đồng thời cũng sẽ nỗ lực hết sức để đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP như công văn đã gửi Thủ tướng: Cho vay ưu đãi hỗ trợ với lãi suất giảm 30% trở lên so với lãi suất thông thường, giảm 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp; hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 và 2021; xem xét mở rộng thị trường được miễn thị thực sau khi kết thúc dịch; kiến nghị giảm 50% tiền điện trong giờ cao điểm đến tháng 5.

Kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép thí điểm lại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận huyện thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận huyện; thành lập mô hình Ban quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước TP.HCM; thẩm định phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy trình chuyển doanh nghiệp vốn 100% Nhà nước thành công ty cổ phần; kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành quan tâm giải quyết các khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem