Tàu Giao Long trong nhiệm vụ thám hiểm đáy biển năm 2012.
Trung Quốc đang phát triển một thế hệ tàu lặn có người lái mới, tiếp cận được bất kì đáy đại dương nào trên thế giới. Thông tin được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) công bố ngày 24.1.
CSIC là đơn vị sản xuất tàu lặn có người lái Giao Long trước đây. Tàu Giao Long là sản phẩm đầu tiên của Trung Quốc có thể lặn sâu xuống 7.000 mét dưới khe vực Mariana ở Thái Bình Dương năm 2012. Giao Long chở theo 3 nhà khoa học và quay trở về an toàn cùng mẫu nước và sinh vật biển.
Nếu dự án chế tạo tàu lặn mới thành công, Trung Quốc sẽ tiến một bước dài trong việc chinh phục đáy biển và giúp bám đuổi công nghệ với Mỹ.
Khi tới được độ sâu không tưởng, tàu lặn sẽ giúp thực hiện các nghiên cứu khoa học trên bề mặt đáy biển. Phó giám đốc CSIC Thiệu Khai Văn nói rằng công ty đã có bản thiết kế hoàn chỉnh tàu lặn chinh phục được mọi đáy biển trên thế giới.
Trong năm 2017 này, Trung Quốc sẽ phát triển một loại tàu lặn mới có thể chạm tới độ sâu 4.500 mét. Tàu đang trong giai đoạn lắp ráp và thử nghiệm.
Tàu Giao Long thám hiểm Ấn Độ Dương năm 2015.
Theo ông Thiệu, tàu lặn mới có 5 cửa sổ quan sát, cho phép các nhà khoa học nhìn cảnh vật xung quanh từ nhiều phía.Tàu có 3 chỗ ngồi cho các nhà khoa học và một chỗ dành cho người lái.
CSIC cũng đang đóng một tàu mẹ với lượng giãn nước 4.000 tấn để chở tàu lặn Giao Long. Con tàu này dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2019. Trung Quốc gần đây đẩy mạnh phát triển công nghệ khám phá đáy biển do thèm muốn các nguồn tài nguyên dồi dào.
Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc từng công bố trong kế hoạch chiến lược rằng nước này sẽ “phát triển việc dò tìm dưới đất, trên trời và dưới biển” trong 5 năm tới. Kế hoạch này bao gồm phát triển tàu lặn có thể chịu được áp lực nước 11.000 mét vào năm 2020.
Tàu Giao Long cắm cờ dưới đáy biển.
Ngoài Trung Quốc, hiện chỉ có Mỹ, Pháp, Nga và Nhật chế tạo được tàu có người lái tiếp cận độ sâu 6.000 mét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.