Gần 50 ca phẫu thuật thành công
Gần 50 ca mổ thành công không chỉ góp phần giải tỏa tâm lý cho những người làm cha, làm mẹ mà còn xóa mờ đi những mặc cảm về dị tật không đáng có của những “mầm xanh” vùng cao.
Chờ bên ngoài phòng mổ thuộc Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, chị Nguyễn Thị Thắm tỏ vẻ lo lắng, hồi hộp khi con chị đang được các bác sỹ của đoàn từ thiện phẫu thuật chỉnh hình, trả lại đôi môi xinh xắn cho bé yêu. Chị Thắm cho biết, nhà chị cách Thành phố Tuyên Quang gần 30km, thuộc xã Tứ Quặng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
“Con tôi là bé Vũ Thị Bảo Trâm mới gần 13 tháng tuổi, từ khi lọt lòng đã bị hở hàm ếch nên việc ăn uống gặp nhiều trở ngại. Tuần trước, đưa con đến khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nghe các Bác sỹ nói sắp có đoàn bác sỹ dưới xuôi lên phẫu thuật miễn phí cho trẻ em, tôi rất mừng và cho cháu đến mổ. Cảm ơn các bác sỹ đoàn từ thiện, cảm ơn nhóm “Nhịp cầu yêu thương” đã xóa đi mặc cảm cho con tôi và những trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Tuyên Quang”. Đang tiếp chuyện chúng tôi, chị Thắm phấn khởi, hớn hở chạy vào đón con khi nghe điều dưỡng viên gọi tên.
Các bác sỹ nhóm “Nhịp cầu yêu thương” cùng bác sỹ bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi Mao Thị Hoàng Linh, bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh.
Ông Trần Văn Xương ở thôn Nà Có, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) đưa cháu ngoại Triệu Trần Thế Vinh đến mổ dị tật ở chân. Ông Xương vui vẻ nói: “Các bác sỹ dưới Hà Nội khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác. Tuy không phải bệnh nguy hiểm, nhưng cháu tôi được khám vào buổi sáng, buổi chiều được phẫu thuật ngay. Cảm ơn chương trình từ thiện, nếu không có đoàn y, bác sỹ lên đây, gia đình tôi lại phải vất vả cho cho cháu xuống Hà Nội để mổ, vừa mất thời gian lại tốn kém chi phí đi lại, ăn ở...”.
Có những ca mổ khó như ca mổ của em Mao Thị Hoàng Linh, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh, đòi hỏi các bác sỹ có chuyên môn cao. Sau khi hội chuẩn, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng các bác sỹ trong kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật.
Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Chị Ma Thị Yến, mẹ cháu Linh xúc động: “Tôi cám ơn các giáo sư, bác sỹ đã phẫu thuật thành công cho cháu. Gia đình nghèo không có điều kiện đưa cháu xuống Hà Nội phẫu thuật, hôm nay có đoàn bác sỹ lên Tuyên Quang, con tôi đã được mổ thành công”.
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
Từng nhiều lần tham gia các chương trình của nhóm “Nhịp cầu yêu thương”, bác sỹ Ngô Duy Minh đến từ Bệnh viện Vinmec Hà Nội chia sẻ: “Trực tiếp thăm, khám cho các cháu, tôi cảm nhận được sự hồn nhiên, ngây thơ của các bé. Điều này đã tiếp thêm động lực để tôi cùng các y, bác sỹ trong Đoàn từ thiện nỗ lực hơn trong việc khám và điều trị, giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa vơi đi mặc cảm về dị tật bẩm sinh, vui vẻ hơn trong cuộc sống. Qua công tác khám chữa bệnh, các y, bác sỹ Đoàn từ thiện chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật về bệnh nhi tới các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang”.
Các bác sỹ của Đoàn trao đổi kinh nghiệm với các bác sỹ bệnh viện đa khoa Tuyên Quang.
Được tham gia cùng các bác sỹ của Đoàn từ thiện khám và phẫu thuật cho trẻ em, bác sỹ Phạm Thanh Thịnh ở Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang học hỏi được nhiều điều bổ ích.
Bác sỹ Thịnh phấn khởi cho biết: “Thông qua đợt này, tôi cùng các y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang nắm bắt được nhiều kỹ thuật tiên tiến như phẫu thuật nội soi, điều trị phình đại tràng bẩm sinh hay kỹ thuật phẫu thuật u lớn trong ổ bụng... Chúng tôi cũng học hỏi được cách chuẩn bị bệnh nhân, khám bệnh và tư vấn cho người nhà bệnh nhân, giúp họ yên tâm hơn khi đưa con em đến khám, chữa bệnh”.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, ông Quách Ngọc Cương, đợt phẫu thuật nhân đạo của đoàn y, bác sỹ đến từ các bệnh viện đầu ngành lần này tạo ra cơ hội cho các y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang học hỏi kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bà con các dân tộc địa phương, trong đó có bệnh nhi.
Dưới đây là một số hình ảnh của chương trình:
.
Nhiều bà mẹ đưa con đến khám để được tư vấn.
Bác sỹ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện nhi đồng II Sài Gòn phân tích kỹ thuật mổ bệnh nhân bị lõm lồng ngực.
Người nhà bệnh nhi hòan toàn tin tưởng khi đưa con đến khám.
Các bác sỹ trao đổi kinh nghiệm.
Người nhà bệnh nhân ngồi chờ ngoài phòng mổ với nhiều tâm trạng khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.