Ngày 1.9, Bộ GDĐT công bố nội dung giảm tải. Trên cơ sở giảm tải của Bộ, trong tháng 9 này, các sở GDĐT đang tổ chức sắp xếp lại nội dung, chương trình cho phù hợp với thực tế địa phương mình. Nhìn tổng thể, nội dung giảm tải của Bộ đã bỏ đi những bài học khó, quá dài, trùng lặp với các lớp, cấp dưới... để tăng thêm thời gian cho những nội dung, bài học khác.
Cái được này, chúng ta cần phải ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Bộ. Tuy nhiên, xem xét ở phạm vi hẹp, ở một số bộ môn đã giảm tải không "trúng", chẳng hạn như môn sinh học, một số bài khó, trùng lặp đáng được giảm tải lại không giảm, bài không đáng giảm lại giảm. Điều đó cho thấy việc giảm tải của Bộ còn mang tính cơ học, chưa được tính toán thật kỹ.
Một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa là, ngoài chất lượng chương trình, nội dung sách giáo khoa, hoạt động dạy và học nhà trường phổ thông có đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra hay không còn phụ thuộc vào năng lực, nghiệp vụ sư phạm của thầy cô giáo cùng với khả năng chủ động, tính tích cực, sáng tạo của học sinh.
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo đã lớn tuổi, chậm đổi mới phương pháp dạy học nên dạy ôm đồm, tham lam, theo kiểu nhồi nhét, áp đặt một chiều khiến giờ dạy học nặng nề, mệt mỏi, quá tải đối với học sinh.
Bên cạnh đó, tình trạng dạy, học thêm mà các cơ quan quản lý giáo dục đã bất lực, hết "thuốc chữa", cũng là nguyên nhân khiến học sinh bị quá tải, vì nhiều giáo viên dùng "chiêu" dạy nâng cao, dội thêm những kiến thức khó, phức tạp cho học sinh để thu hút các em đến học thêm.
Tóm lại, việc giảm tải chỉ thật sự có ý nghĩa khi có sự cộng lực giữa Bộ GDĐT và đội ngũ thầy cô giáo- những người thực hiện, triển khai việc giảm tải chương trình. Nếu chương trình có giảm tải nhiều lần nữa mà công tác dạy học của thầy cô giáo vẫn cứ trì trệ, lạc hậu, cứng nhắc, yếu kém... thì mọi việc cũng trở nên xa vời, vô nghĩa. Bài toán về chất lượng, hiệu quả ở bậc phổ thông vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến, khá lên.
Thanh Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.