Trạm bơm tiêu trăm tỷ đặt "nhầm chỗ" ở Phú Thọ: Người dân khổ sở vì ô nhiễm, nứt nhà

Ngô Hùng Thứ năm, ngày 05/03/2020 13:00 PM (GMT+7)
Không chỉ lo ngại về tính hiệu quả của trạm bơm tiêu khi “đặt nhầm” ở nơi mà nhiều năm không bị ngập úng, người dân sống quanh dự án trạm bơm tiêu còn chịu ảnh hưởng nặng nề về ô nhiễm môi trường, nứt nhà, mất đất canh tác...
Bình luận 0

Nhìn ngôi nhà ngang bị nứt nẻ, đơn vị thi công dùng cột gỗ chống đỡ tạm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, ông Nguyễn Ngọc Thường (khu 4, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) không giữ được bình tĩnh.

img

img

Theo ông Thường, khi thi công trạm bơm tiêu Dậu Dương, nhà của ông đã bị nứt toác.

“Trạm bơm tiêu xây ở nơi mà mấy chục năm nay chưa từng xảy ra ngập úng đã đành, nay đi vào xây dựng lại còn gây ô nhiễm môi trường, làm nứt nhà và vườn tược của người dân. Nhà tôi bị nứt, 1 năm trời không đả động gì đến, họ hứa hẹn đến khắc phục, nhưng sau nhiều lần hẹn, đến hôm nay (27/2) vẫn chưa thấy đến”, ông Thường bức xúc.

Cũng theo ông Thường, vị trí bị nứt nằm trong gian bếp của gia đình, hằng ngày mọi người vẫn phải ra vào nhiều lần. Dù biết là nguy hiểm rình rập, nhưng gia đình không biết phải làm thế nào, đành đánh cược mạng sống của mình mỗi khi vào nấu ăn hay đi vệ sinh.

img

img

Tường rào, sân vườn nhà bà Thủy cũng bị nứt ngang dọc.

Cùng chung nỗi bức xúc, bà Phạm Thị Thủy (trú tại khu 4, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông), cho biết, khi Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công xây dựng trạm bơm tiêu Dậu Dương đã làm nứt 47m đất tường và vườn nhà. Sau thời gian thi công, đơn vị này định chuyển máy móc đi, gia đình bà đã phải ra giữ lại máy móc, lúc này công ty mới tiến hành đổ đất cho nhà bà.

“3 năm nay gia đình tôi khổ lắm rồi, bức xúc lắm rồi, tường, sân, vườn nhà tôi nứt như thế này, cổng phải dựng tạm nên mỗi khi đi ra khỏi nhà, gia đình tôi đều lo lắng vì sợ trộm “ghé thăm”. Phía đơn vị thi công nhiều lần hứa hẹn đến giải quyết, nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy đâu”, bà Thủy bức xúc.

Cũng theo người dân, từ khi xây dựng trạm bơm tiêu Dậu Dương, đời sống người dân quanh vùng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối.

“Không có nước để vận hành máy, trạm bơm tiêu Dậu Dương phải đóng cống để tích nước. Rác thải từ khắp nơi đổ về, đợt dịch vừa rồi, lợn chết bị người dân vứt ra kênh mương, đổ về đây mùi hôi thối kinh khủng. Họp hội đồng người dân có ý kiến, nhưng chính quyền nghe xong rồi để đấy”, ông Thường cho biết thêm.

img

img

Theo người dân, rác thải, xác động vật chết dồn về trạm bơm tiêu Dậu Dương khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường

Theo ông Đoàn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, chính quyền xã có nhận được phản ánh của người dân về việc trong quá trình thi công xây dựng trạm bơm tiêu Dậu Dương có bị nứt nhà cửa, tường, vườn tược, ô nhiễm môi trường. Hiện tại các cơ quan chức năng và đơn vị thi công đang làm việc với các hộ dân để tìm phương án giải quyết.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, dự án trạm bơm tiêu Dậu Dương được phê duyệt tại các Quyết định số 1357/QĐ-BNN-XD ngày 19/6/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Quyết định số 977/QĐ-UBND ngày 5/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt tiểu dự án hợp phần 2.

Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 3456 về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Đến ngày 10/11/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 3003 về việc duyệt điều chỉnh, bổ sung dự toán công trình: Trạm bơm tiêu Dậu Dương, Đoan Hạ.

Tiếp đến ngày 22/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 1225 về việc điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc tiểu dự án hợp phần 2.

Theo đó, giá trị hợp đồng xây lắp trạm bơm và thiết bị trạm bơm tiêu Dậu Dương là hơn 122 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu và thi công xây dựng trạm bơm là Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (số 3010, đại lộ Hùng Vương, phường Vân Phú, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Ngoài trạm bơm Dậu Dương gây ảnh hưởng đến người dân quanh vùng, thì tại trạm bơm tiêu Sơn Tình ở Yên Tập, huyện Cẩm Khê, người dân cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

img

img

Đơn vị thi công trạm bơm tiêu Sơn Tình đã đem một lượng lớn đất bán cho những lò gạch quanh vùng khiến mưa thì bẩn, nắng thì bụi mù trời. Đặc biệt, nhiều diện tích đất của người dân đã kiểm đếm nhưng chưa nhận được bồi thường và người dân bỏ hoang ruộng đất?

Theo ông Nguyễn Phú Bình (trú tại khu 1, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê), trong quá trình triển khai xây dựng trạm bơm tiêu Sơn Tình, đơn vị thi công đã đem một lượng lớn đất bán cho những lò gạch quanh vùng.

“Khi vận chuyển, đất vương vãi ra đầy khiến trời mưa thì bẩn, trời nắng thì bụi mù trời. Không những thế, cho đến nay, một phần diện tích đất của người dân đã được kiểm đếm nhưng chưa thấy bồi thường. Nhiều người thấy đã kiểm đếm nên không canh tác nữa, khiến đất ruộng bị bỏ hoang, rất hoang phí”, ông Bình cho biết thêm.

Trạm bơm tiêu Sơn Tình được phê duyệt tại Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 18/3/2016. Kế hoạch đấu thầu được duyệt tại Quyết định số 1595/QĐ-UBND ngày 4/7/2016.

Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Bài 3: 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem