Giảm thiểu tai nạn đuối nước
Bà Phạm Thị Âu – Bí thư Chi bộ thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, (Đăk Nông) chia sẻ: “Trước đây, tình trạng trẻ em bị đuối nước ở trong thôn, xã thường xuyên xảy ra. Vào mùa hè, trẻ em rất thích đi tắm sông, khi mực nước dâng cao rất dễ bị đuối nước. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, trong thôn không còn trẻ bị đuối nước nhờ hệ thống cảnh báo lũ từ xa của ngành điện được triển khai ngay trên địa bàn” - bà Âu cho biết.
Địa hình tại khu vực sông Krông Nô phức tạp, rất nhiều khu vực dễ xảy ra đuối nước. Ảnh: T.L
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có gần 40 trẻ bị đuối nước nhưng chủ yếu do nguyên nhân đi tắm sông và các nguyên nhân khác, không có tình trạng nào bị đuối nước do xả nước của thủy điện.
|
Chỉ tay về phía ven bờ sông Krông Nô ở ngay cạnh nhà, bà Âu cho biết, khu vực này trước đây có rất nhiều người bị đuối nước, người dân còn phải lập cả cái miếu để thờ. Bây giờ, dù đã có cây cầu mới được xây nhưng cũng chỉ đi được xe máy nên khi vận chuyển vật liệu xây dựng hay vật tư, nông sản người ta vẫn thường vận chuyển qua sông và đi qua khu vực này. Tuy nhiên, do hệ thống cảnh báo lũ đã hoạt động hiệu quả nên tình trạng đuối nước 4 năm nay đã không còn xảy ra.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có gần 40 trẻ bị đuối nước, nguyên nhân chủ yếu là do đi tắm sông và các nguyên nhân khác, không có tình trạng nào bị đuối nước do xả nước của thủy điện.
Đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Nông cho biết, Sông Krông Nô là một trong những dòng sông quan trọng của khu vực Tây Nguyên, đi qua địa bàn 8 xã thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Chiều dài dòng sông khoảng 60km tính đến hồ thuỷ điện Buôn Kuốp. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2016, lũ đã làm ảnh hưởng tới 5.000ha lúa, hoa màu và cây lâu năm của người dân ở hạ du. Đặc biệt, có địa bàn lũ ngập sâu tới 2,5m, cô lập hoàn toàn và kéo dài nhiều ngày. Nhiều gia súc, gia cầm cũng bị lũ cuốn trôi, ước tính thiện hại khoảng 44 tỷ đồng. Việc vận hành thủy điện vừa đảm bảo hiệu quả, vừa góp phần điều tiết lũ cho vùng hạ du và đảm bảo an toàn cho người dân luôn là vấn đề trăn trở của các cán bộ ngành điện.
Phát minh hệ thống trạm cảnh báo từ xa
Ông Nguyễn Đức - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, trước đây, dọc 2 bên bờ sông Krông Nô, ngành diện sử dụng các biển hiệu và còi cảnh báo lũ để người dân chủ động mỗi khi nhà máy chạy phát điện hay xả nước điều tiết. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, với địa hình phức tạp, bờ sông dài khoảng 60km trong khi hệ thống còi cảnh báo chỉ có tác dụng ở bán kính 5km nên nhiều khu vực không nghe thấy hiệu lệnh của còi.
Từ những hạn chế trên, các kỹ sư, công nhân Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ cảnh báo lũ từ xa. Đến nay, công ty đã thiết lập tổng cộng 13 trạm cảnh báo dọc bờ sông vùng hạ du các hồ chứa.
Theo ông Nguyễn Đức, hệ thống gồm thiết bị nhận cuộc gọi di động, mạch điều khiển, amply, loa phóng thanh... Khi có cuộc gọi đến, mô đun điều khiển cho phép bắt máy, còi trên mạch điều khiển chính sẽ phát ra tín hiệu để thông báo cho đầu gọi biết tình trạng hoạt động tốt và hệ thống sẽ tự động bật nguồn điện, bật âm kết nối với loa phóng thanh để nhân viên vận hành đọc thông báo từ xa. Trường hợp điện tại các trạm bị mất do mưa lũ thì hệ thống cũng sẽ tự động khởi động máy phát điện, sau khi kết thúc nội dung thông báo cảnh báo lũ, hệ thống lại quay lại trạng thái tự động tắt máy.
Đánh giá cao về công tác phối hợp phòng chống lụt bão của ngành điện, ông Lê Viết Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Đăk Nông cho biết: “Hàng năm chi cục và các huyện vùng hạ du hồ chứa như Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Krông Nô, Cư Jút đều phối hợp Công ty Thủy điện Buôn Kuốp tổ chức tuyên truyền về cơ chế, phương án phối hợp trong điều tiết, xả lũ các hồ chứa thủy điện với sự tham dự của đại diện tỉnh, huyện, chính quyền các xã. Hiện hệ thống trạm cảnh báo lũ từ xa của ngành điện đang phát huy hiệu quả rất tốt”.
Còn ông Nguyễn Tấn Triết - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp phấn khởi cho biết: “Nhờ hiệu quả bất ngờ từ hệ thống cảnh báo lũ từ xa hoàn toàn tự động nên sáng chế này của chúng tôi đã được chứng nhận là sáng chế cấp tập đoàn”. Theo ông Triết, thông báo về lũ không phải là câu chuyện “nói với nhau” mà để thông báo mấy giờ xả, lưu lượng bao nhiêu thì để chính xác nhất và thông tin không nhiễu khi thông báo cho người khác phải có quy chế cụ thể. Báo cho cấp quốc gia ai báo, cấp tỉnh, cấp huyện ai báo… đều có quy chế và phân công rõ ràng.
Do đó, để thống nhất cập nhật thông tin, công ty đã thiết lập website (http://buonkuop.vn/pclb) để chủ động cung cấp thông tin quan trắc và vận hành hồ chứa để các cơ quan chức năng, tổ chức và nhân dân trong vùng thuận tiện trong việc theo dõi. Công ty cũng trang bị màn hình theo dõi các thông số quan trắc và vận hành các hồ chứa tại Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, trang bị các máy tính bảng đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh, các huyện liên quan để theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến vận hành điều tiết các hồ chứa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.