Tràn lan video giật gân, nhảm nhí: Nhanh chóng luật hóa, ngăn ảnh hưởng xấu

Thành An – Thảo Nguyên Thứ bảy, ngày 10/10/2020 06:11 AM (GMT+7)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.
Bình luận 0

Chỉ đạo này cho thấy đã đến lúc phải mạnh tay đưa ra các chế tài xử lý tình trạng này.

Phạt "mỏi tay"

Theo thống kê, doanh thu từ quảng cáo của các chủ kênh tại Việt Nam dao động từ 0,5 - 1 USD/1.000 lượt xem. Ước tính, mỗi video có 1 triệu lượt xem có thể mang về cho chủ tài khoản gần 20 triệu đồng. Nếu con số này nhảy vọt trên 10 triệu lượt view thì số tiền kiếm được có thể tăng lên gấp 5 lần trong mỗi tháng.

Chính vì vậy mà đa phần các chủ tài khoản khát khao kiếm tiền, làm clip bất chấp với nội dung phản cảm, kích thích trí tò mò của người xem bằng nhiều cách thức khác nhau, như: Thử thách 24 giờ làm động vật, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, trêu chọc phụ nữ nơi công cộng… Các chủ đề dung tục lần lượt xuất hiện tràn lan như: Chạy xe đi thu mua quần áo lót cũ, trêu đùa gái mại dâm, dùng băng vệ sinh làm ví tiền…

Tràn lan video giật gân, nhảm nhí: Nhanh chóng luật hóa, ngăn ảnh  hưởng xấu  - Ảnh 1.

Một số “giang hồ mạng” như Huấn Hoa hồng (phải), Khá Bảnh từng nổi tiếng trên mạng xã hội. I.T Ảnh nhỏ: Video cổ súy hành vi ăn trộm tiền của Hưng Vlog. Ảnh: I.T

Trước đó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã hợp tác với Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu, độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Tỷ lệ gỡ bỏ các clip độc hại theo yêu cầu được khoảng 90 - 95% (xấp xỉ 8.000 clip).

Không ít chủ nhân của các video nhảm nhí như vậy đã phải trả giá. Mới đây, chủ tài khoản YouTube Hưng Vlog - Nguyễn Văn Hưng (trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) hai lần đăng tải video clip "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết" đã bị Thanh tra Sở TTTT Bắc Giang xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Chuyên gia tâm lý, PGS - TS Huỳnh Văn Sơn: Giáo dục kỹ năng truyền thông có trách nhiệm

Việc các thông tin lan tràn dẫn đến sự phức tạp hóa truyền thông, từ đó dẫn đến những hệ lụy: Tiếp cận thông tin thiếu chính thống, nhận thức sai vấn đề, tạo ra những cách hiểu thiếu căn cứ, thậm chí dễ có thái độ vội vã, phán xét. Đây là thực tế cần suy ngẫm và có những dự báo để đảm bảo tính giáo dục cũng như sự kiểm soát đồng bộ. Theo tôi cần quan tâm đến vài giải pháp sau đây: Một là cần giáo dục kỹ năng truyền thông có trách nhiệm, truyền thông hiệu quả cũng như kỹ năng xử lý thông tin trên mạng internet; hai là cần chú trọng việc quản lý thông tin từ các cấp độ khác nhau để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả hướng đến tính giám sát trong thực tiễn.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội: Cần tẩy chay, không phát tán video "bẩn"

Tôi nghĩ mạng xã hội đang chiếm rất nhiều cả không gian, thời gian trong đời sống và nếu như mỗi người không tự có bản lĩnh để nhận biết cái gì cần xem và cái gì nên từ chối thì sẽ rất nguy hiểm. Với trẻ em, chúng ta cần dạy chúng biết cách đi trong thế giới ảo, chúng ta cần đưa những điều này vào trong khoá học tại trường để chúng có thể có kỹ năng phân biệt đâu là video nhảm nhí, độc hại. Một điều tôi muốn nhấn mạnh nữa, đó là mỗi người khi thấy những video độc hại đó nên tẩy chay, không nên xem, phát tán những video đó.

Nhà xã hội học, PGS - TS Trịnh Hoà Bình: Tôn vinh những giá trị thật

Theo tôi, những video này cần phải bị ngăn chặn, tẩy trừ. Bài học là xử phạt cần phải mạnh tay hơn nữa. Bởi vấn đề không phải là gia tăng hình phạt để tăng sức răn đe, mà quan trọng là kịp thời và có hiệu quả gây hiệu ứng xã hội thì mới có kết quả. Còn nếu chỉ phạt nhỏ lẻ, hay lâu lâu mới phạt một lần, thì việc xử phạt không có ý nghĩa. Câu chuyện ở đây là phải phạt thường xuyên, liên tục để đối chọi lại với những sản phẩm xấu, độc hại đó. Bên cạnh đó, chúng ta cần gia tăng hiệu ứng truyền thông với những sản phẩm văn hoá, những nét đẹp để cổ súy cho những điều thiện lương, những điều tốt đẹp, tôn vinh những giá trị thật, câu chuyện thật.

Huy Hoàng (ghi)

Tuy nhiên, sau đó chủ tài khoản Hưng Vlog vẫn tiếp tục đăng tải clip tương tự, "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết". Một số ý kiến cho rằng, video này của Hưng Vlog đang cổ vũ cho hành động ăn cắp, cho dù đó là lấy tiền của em gái. Xét thấy đây là hành vi tái phạm, cần xử lý nghiêm, Thanh tra Sở TTTT Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Hưng Vlog.

Trước nữa, chủ tài khoản YouTube nổi đình đám Khá bảnh thu hút hàng triệu lượt đăng ký. Khá bảnh tên thật là Ngô Bá Khá, là một tội phạm, dân giang hồ, từng sở hữu một kênh YouTube với trên 2 triệu lượt đăng ký. Khá bảnh nổi tiếng vì các clip khoe tài sản, múa quạt, video xã hội đen, bạo lực, đặc biệt là video đốt xe máy đã thu hút hàng triệu lượt xem. Khá Bảnh sau đó đã bị án tù về những vi phạm của mình.

Hay như nhân vật Dương Minh Tuyền, được biết đến với biệt danh Thánh chửi, lập YouTube với những video có nội dung phản cảm, bạo lực, mô tả đời sống giang hồ. Sau đó, kênh này đã bị gỡ bỏ bởi vi phạm chính sách của YouTube.

Trường hợp khác là Huấn hoa hồng, tháng 5/2020, Huấn hoa hồng làm "dậy sóng" cộng đồng mạng khi cho ra mắt MV ca nhạc mang tên "Muôn kiếp là anh em" trên kênh YouTube cá nhân. Trong MV, mặc dù Huấn hát khuyên người ta bỏ cờ bạc, nhưng liên tục lồng ghép các hình ảnh quảng cáo cho game đánh bạc online như Go88; 789club...

Nhiều chủ video với nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm mục đích thu hút lượt xem để kiếm tiền đã bị trả giá bằng cách bị gỡ bỏ, bị phạt tiền... Tuy nhiên, hệ luỵ xung quanh thực trạng này đang xảy ra rất nhiều vấn đề mà ngay cả cơ quan quản lý, người xem cũng không thể lường hết.

Với những video đã được đăng tải, cho dù đã bị gỡ bỏ, chủ tài khoản đã bị xử lý, nhưng những hình ảnh bạo lực, sex, sốc, ngôn ngữ chế, dung tục… đã kịp ảnh hưởng xấy đên hàng triệu người xem, trong đó có không ít trẻ vị thành niên.

Phải luật hóa thông tin trên mạng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Bộ TTTT, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền trục lợi.

Văn bản nêu rõ, vừa qua dư luận phản ánh trên mạng xã hội đăng tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng ngại là những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống…

Trao đổi với PV NTNN về việc này, ông Lê Như Tiến-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Về mặt Nhà nước, Bộ TTTT cần tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội một luật đầy đủ, chuẩn chỉ về Luật Thông tin trên mạng để ngăn chặn thông tin xấu độc một các quyết liệt, mạnh mẽ hơn"- ông Tiến nói và lưu ý "Luật này khác biệt với Luật An ninh mạng đã ban hành".

Ông Tiến cũng cho rằng, bên cạnh việc luật hóa, về mặt công nghệ thông tin cũng hoàn toàn có khả năng tạo ra các "bức tường lửa", "rào chắn kỹ thuật" để ngăn chặn những thông tin xấu độc này ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến lớp trẻ - những người dễ tiếp thu cái mới.

"Về mặt chính sách cần có những văn bản pháp luật, pháp quy để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho những người thực hiện nó không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến tự do, dân chủ của người dân sử dụng internet. Đồng thời, phải có những giải pháp kỹ thuật của các nhà chuyên môn dựng các bức tường lửa hay rào chắn kỹ thuật ngăn chặn những thông tin xấu độc ảnh hưởng vào Việt Nam, ảnh hưởng đến chính người dân Việt Nam"- ông Tiến nhấn mạnh.

Đáng chú ý, việc thông tin truyền thông đối với người dân đặc biệt là lớp trẻ phải có những bộ lọc của chính mình thấy rằng thông tin nào cần phải đọc, cần phải loại bỏ. "Trong thời đại công nghệ thông tin phổ cập, ào ạt như hiện nay, chúng ta không thể nào ngăn chặn hết nổi. Do vậy, mỗi người dân phải tự bảo vệ chính bản thân mình. Những người làm công tác thông tin truyền thông phải lưu ý điều này. Phải thực hiện công tác giáo dục, thuyết phục, hướng dẫn đến mỗi người dân để họ có những dị ứng với những thông tin phản cảm đó"- ông Tiến nói.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch Hội đồng giảng viên Học Viện truyền thông Libra nhìn nhận, chúng ta thấy rằng cái dở, cái xấu, cái độc hại bao giờ cũng có tính ma mị, cuốn hút và dễ dàng lan tỏa hơn rất nhiều so với điều tốt.

Theo đó, những thứ tạo nên cảm giác ngược dòng, đi ngược với trào lưu thông tin chung thì sẽ tạo ra được hiệu ứng thu hút, thích thú của rất nhiều người. Chính vì vậy, có lẽ chúng ta phải dùng đến các công nghệ AI để lọc các nội dung clip xấu, độc, hại mà Bộ TTTT cũng đang rất tích cực để xây dựng những chiến lược quản trị được những nội dung như vậy trên tất cả các trang mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Đang có "cuộc xâm lăng" của video nhảm

Chia sẻ với PV Báo NTNN về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Long - người sáng lập Truyền thông Trăng Đen (ảnh) cho biết, mặc dù không chủ động xem nhưng trong quá trình lướt mạng xã hội, ông đã gặp rất nhiều những video có nội dung phản cảm và thấy chúng xuất hiện ngày càng nhiều.

img

"Cảm giác như đang có một "cuộc xâm lăng" của các nội dung nhố nhăng này vậy. Vì thế, với các gia đình thì đây là hiểm họa khôn lường. Việc tràn lan những video nhảm cũng phơi bày mặt tối của các nền tảng mạng xã hội và tôi cảnh báo mọi nỗ lực chiến đấu để dẹp bỏ những video nhảm này sẽ rất vất vả, là một cuộc chiến lâu dài"- ông Long nói.

Theo ông Long, hệ lụy của những video nhảm, phản cảm là vô cùng lớn: "Chẳng cứ là trẻ em hay thiếu niên, tôi biết nhiều bạn ở độ tuổi tốt nghiệp đại học đi làm rồi vẫn bỏ việc chạy theo nhóm này. Thực tế đang rất báo động rồi chứ không còn là chuyện của "một đám trẻ trâu". Ở phía trên tôi dùng từ "cuộc xâm lăng" vì tôi thấy nó giống như từ bóng tối bước ra ánh sáng.

Nghênh ngang, ngạo nghễ, công khai, tác động vào mọi giới và độ tuổi. Nó truyền bá hành vi lố lăng, cổ xuý cho những thứ nhảm nhí và khiến nhiều người mất đi ước mơ, hoài bão lao động, cống hiến tạo ra các giá trị tốt đẹp cho xã hội, vì bận mơ màng nghĩ cách kiếm tiền qua con đường làm video bẩn".

Ông Long cho rằng, giải pháp đầu tiên là cần luật hoá việc sản xuất, đăng phát, lan truyền các video bẩn kiểu này. Sau đó xử lý thật mạnh tay. "Hiện một số bên viện dẫn việc "vi phạm thuần phong mỹ tục" để xử phạt hành chính, tôi thấy không tạo được sự đồng thuận xã hội. Thậm chí còn khiến các đối tượng bị xử phạt càng thách thức hơn, và coi việc nộp phạt như "khoản tiền quảng bá" để càng nhiều người biết tới"- ông Long nói.

Thanh Hà (thực hiện)

img

Có chế tài vẫn khó xử lý mạnh?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo Điều 101 - Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: Phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi trong đó có: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn… và nhiều nội dung khác. Mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng trong thực tế việc có xử lý hay không những video có nội dung phản cảm lại là một việc rất phức tạp.

Lấy đơn cử quy định không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, Việt Nam là một đất nước có khả năng hội nhập nhanh, dân số trẻ và năng động, cho nên văn hóa và ý thức của các thế hệ có sự thay đổi nhanh chóng và không đồng nhất với nhau, việc đánh giá thế nào là phù hợp với thuần phong mỹ tục không phải là một điều đơn giản và thực tế là cho đến nay chưa có văn bản giải thích hay hướng dẫn cụ thể về định nghĩa này.

Quỳnh Nguyễn (ghi)


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem