Trận ra quân thảm bại của Mỹ trước Triều Tiên: Mất một nửa đơn vị đặc nhiệm

Duy Sơn Thứ ba, ngày 15/02/2022 18:43 PM (GMT+7)
Trong lần giao tranh đầu tiên với quân Triều Tiên, đơn vị đặc nhiệm Smith của Mỹ đã hứng chịu thất bại nặng nề.
Bình luận 0

Tháng 7/1950, Mỹ phải hứng chịu thất bại quân sự đầu tiên trước Triều Tiên ở thời điểm họ vẫn tận hưởng chiến thắng từ Thế chiến II và sở hữu lực lượng quân sự hùng hậu nhất thế giới. Đây được xem là thảm bại gây sốc cho quân đội và công chúng Mỹ thời điểm đó.

Trận ra quân thảm bại của Mỹ trước Triều Tiên: Mất một nửa đơn vị đặc nhiệm - Ảnh 1.

Lực lượng đặc nhiệm Smith tới Hàn Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Ngày 25/6/1950, 25.000 quân Triều Tiên tràn qua vĩ tuyến 38, đa phần là cựu binh từng tham chiến tại Trung Quốc. Nhờ được trang bị nhiều khí tài hiện đại của Liên Xô và khả năng kiểm soát bầu trời, Triều Tiên nhanh chóng đánh bại quân đội Hàn Quốc được Mỹ huấn luyện.

Được Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng vũ lực, Mỹ gửi quân đến giải cứu Hàn Quốc. Ngày 1/7, quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản được triển khai đến Hàn Quốc dưới danh nghĩa lực lượng đặc nhiệm Smith. Đây là đơn vị hỗn hợp do trung tá Charles Smith chỉ huy, bao gồm các đại đội được lấy từ Trung đoàn bộ binh 21, Sư đoàn bộ binh 24.

Lực lượng đặc nhiệm Smith chỉ có trên 400 binh sĩ, một số lựu pháo 105 mm của tiểu đoàn pháo binh phối thuộc. Họ không được trang bị xe tăng, không có yểm trợ đường không và khả năng liên lạc nghèo nàn. Ngoài súng bộ binh, nhóm đặc nhiệm còn có hai súng không giật cỡ nòng 75 mm, hai khẩu cối 106 mm và 4 khẩu cối 60 mm. Mỗi binh sĩ được trang bị 120 viên đạn và khẩu phần ăn trong hai ngày.

Hỏa lực chống tăng của đội đặc nhiệm Smith chỉ gồm các khẩu Bazooka 60 mm, vốn không thể tiêu diệt xe tăng Đức từ thời Thế chiến II. Một số sĩ quan và hạ sĩ quan từng tham gia Thế chiến II, nhưng đa phần quân số đều không có kinh nghiệm chiến đấu.

Lực lượng Mỹ tổ chức lớp phòng ngự rộng khoảng 1,6 km bên tuyến đường Suwon-Osan. Binh sĩ lập đường dây liên lạc đến 4 khẩu đội lựu pháo ở vị trí bí mật cách đó hai km. Một pháo 105 mm được bố trí giữa khẩu đội và bộ binh để bao quát toàn bộ tuyến đường và làm nhiệm vụ chống tăng.

Các lính pháo binh còn lập 4 đội súng máy 12,7 mm và 4 đội Bazooka tham gia cùng bộ binh ở phía bắc. Đội hình bố trí như vậy khiến quân Mỹ dễ bị tổn thất trước các đợt tấn công bên sườn, cũng như không có hỏa lực chặn xe tăng đối phương.

Trận ra quân thảm bại của Mỹ trước Triều Tiên: Mất một nửa đơn vị đặc nhiệm - Ảnh 2.

Lính Mỹ dùng Bazooka tại phòng tuyến Osan. Ảnh: Wikipedia.

Được triển khai về phía bắc để chặn đà tiến công của Triều Tiên, đơn vị đặc nhiệm Smith đào công sự gần thị trấn Osan. Sáng 5/7, một đội hình tăng T-34-85 của Sư đoàn thiết giáp 105 Triều Tiên tấn công, đánh dấu trận đụng độ đầu tiên với quân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Lựu pháo 105 mm của Mỹ có đạn nổ lõm chống tăng (HEAT), nhưng gần như không thể chặn đứng xe tăng Triều Tiên đang tràn vào cứ điểm. Đơn vị đặc nhiệm Smith phóng nhiều quả Bazooka nhưng không thể xuyên thủng lớp giáp dày của xe tăng do Liên Xô chế tạo.

Lúc 10h15, 33 xe tăng của Triều Tiên chọc thủng tuyến phòng thủ, khiến 20 lính Mỹ thiệt mạng và bị thương. Đường dây liên lạc của khẩu đội pháo bị xe tăng băm nát. May mắn cho lính Mỹ là tăng Triều Tiên không có bộ binh yểm trợ, nên không thể xác định vị trí khẩu đội pháo đang khai hỏa vào họ. Trong vòng một giờ sau, lính Mỹ tranh thủ củng cố vị trí phòng ngự.

Tới 11 giờ, thêm ba xe tăng tiến về phía bắc, sau họ là đoàn xe tải và bộ binh thuộc Trung đoàn 16 và 18, Sư đoàn 4 Triều Tiên. Súng cối và súng máy Mỹ quét qua đội hình gây thương vong nhưng không thể chặn đứng ba xe tăng. Đơn vị Smith cố giữ vững thế trận phòng ngự, trong khi thương vong không ngừng tăng lên. Hầu hết binh sĩ chỉ còn 20 viên đạn và đứng trước nguy cơ bị đối phương chia cắt. Lúc này, phía Triều Tiên bắt đầu sử dụng pháo và súng cối tấn công.

Nhận thấy sắp bị bộ binh Triều Tiên bao vây, trung tá Smith quyết định rút quân. "Theo kế hoạch, đơn vị sẽ rút theo đội hình cuốn chiếu có trật tự, với một trung đội liên tục yểm trợ trung đội khác. Tuy nhiên, trước hỏa lực mạnh của đối phương, các binh sĩ Mỹ được huấn luyện thiếu bài bản đã vứt bỏ vũ khí và thiết bị liên lạc. Do mệnh lệnh rút quân không đến được với mọi binh sĩ, nên quân Mỹ chịu thương vong lớn", sử gia Spencer Tucker viết.

Mỹ có 80 binh sĩ thiệt mạng và bị thương, 80 người khác bị bắt, chiếm gần nửa quân số của đơn vị đặc nhiệm Smith. Phía Triều Tiên có khoảng 130 người thương vong, 4 xe tăng bị phá hủy hoặc mất khả năng cơ động. Tuyến phòng thủ của Mỹ chỉ cầm chân lực lượng Triều Tiên được vài giờ.

Trận ra quân thảm bại của Mỹ trước Triều Tiên: Mất một nửa đơn vị đặc nhiệm - Ảnh 3.

Mũi tấn công Triều Tiên (đậm) và cơ động rút quân của Mỹ (mảnh). Ảnh: Wikipedia.

Triều Tiên tiếp tục tiến đánh về phía nam, giao tranh với nhiều đơn vị của Sư đoàn bộ binh 24. Ngày 6/7, họ buộc quân Mỹ rút về điểm phòng thủ tiếp theo ở Pyongtaek.

Trận đánh của đơn vị đặc nhiệm Smith là lần đụng độ trên bộ đầu tiên giữa Triều Tiên và Mỹ. Trận đánh này không phải là một thảm họa lớn, nhưng thất bại cho thấy cái giá Mỹ phải trả khi tham gia vào cuộc xung đột khác hoàn toàn so với dự tính, chuyên gia quân sự Michael Peck nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem