Trận Stalingrad, Hồng quân Liên Xô bắt 300.000 quân phát xít làm tù binh
Trận Stalingrad, Hồng quân Liên Xô bắt 300.000 quân phát xít làm tù binh
Tuấn Sơn
Thứ hai, ngày 18/09/2023 21:31 PM (GMT+7)
Tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân thành phố Stalingrad đã khiến các đội quân khét tiếng tinh nhuệ của phát xít tiêu hao và nhụt chí trong cuộc chiến tranh đường phố...
Stalingrad được coi là một trong những chiến trường đẫm máu nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cũng như trong lịch sự nhân loại với sự tham gia của hàng triệu quân của cả phe phát xít và Hồng quân Liên Xô. Tại chiến trường lịch sử này, quân và dân Liên Xô đã chặn đứng đạo quân hùng hậu và thiện chiến của phát xít Đức và phe Trục để thay đổi cục diện chiến tranh từ năm 1942. Vậy tại sao Hồng quân lại tạo được kỳ tích như vậy sau hàng loạt thất bại nặng nề ở giai đoạn đầu chiến tranh?
Tinh thần sắt đá của quân và dân Xô viết
Với nguồn lực lên tới cả triệu quân và phần lớn trang bị quân sự ở mặt trận phía Đông, trong năm 1942, các mũi tiến quân của phe phát xít liên tục đổ dồn tới mặt trận Stalingrad, thành phố nằm bên sông Volga. Berlin quyết tâm chiếm lấy thành phố có vai trò rất quan trọng đối với Liên Xô trong cuộc chiến. Nếu chiếm được Stalingrad, phát xít Đức sẽ cắt đứt các tuyến cung cấp lượng thực và dầu mỏ của Liên Xô.
Hiểu rõ vai trò quan trọng của thành phố Stalingrad, Bộ tư lệnh tối cao Xô viết cũng dành mọi nguồn lực để quyết giữ bằng được vị trí chiến lược quan trọng ở miền Nam đất nước. Điều này được thể hiện rõ qua Sắc lệnh số 227 của Tổng tư lệnh tối cao Stalin: Chỉ có những kẻ ngu ngốc ở trên mặt trận mới nghĩ rằng vẫn còn thời gian để rút lui xa hơn nữa về phía Đông. Từ đây, mệnh lệnh: "Một bước không lùi!", đã trở thành khẩu hiệu đối với quân và dân Xô viết.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt và tới tháng 8/1942, Hồng quân quyết định không triệt thoái khỏi các vị trí phòng thủ ở Stalingrad. Hai bên giành giật từng con phố ở khu vực phía Đông thành phố. Lực lượng phòng thủ đã yêu cầu mỗi người lính, người dân thành phố biến căn nhà, căn hầm thành pháo đài phòng thủ, quyết tâm đẩy lùi bước tiến của quân phát xít. Khẩu hiệu chiến đấu của Hồng quân phòng thủ thành phố là "Không còn đất cho chúng ta ở bên kia bờ sông Volga".
Tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân thành phố Stalingrad đã khiến các đội quân khét tiếng tinh nhuệ của phát xít tiêu hao và nhụt chí trong cuộc chiến tranh đường phố. Một sĩ quan phát xít Đức bị bắt giữ thú nhận: "Họ bị đẩy lùi nhiều lần và chỉ còn giữ được một phần của nhà máy mang tên Tháng Mười Đỏ. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi chính là khu vực cung cấp nhiệt sưởi ấm của nhà máy. Chiếm được địa điểm đó gần như đánh bật lực lượng phòng thủ khỏi thành phố. Các vị trí phòng thủ của họ bị đánh phá liên tục nhiều tuần lễ. Không còn gì nguyên vẹn với mật độ hỏa lực như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tiến thêm được khoảng 70m cuối cùng đó. Cứ mỗi khi làn khói của máy sưởi bốc lên là chuẩn bị cho một đợt phản công của phía Xô viết. Chúng tôi không hiểu họ lấy năng lượng tự đâu. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, chúng tôi thấy bất lực và chịu thất bại".
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Sự kháng cự kiên cường và phản công mạnh mẽ của quân và dân thành phố Stalingrad chỉ có thể giải thích bằng tinh thần anh hùng cách mạng. Trong cuộc chiến bảo vệ thành phố đã có 760.000 quân và dân Xô viết được trao huân chương danh dự "Vì sự nghiệp Bảo vệ Stalingrad". Hơn 100 người được trao tặng phần thưởng cao quý nhất là Anh hùng Xô viết cho những chiến công và sự hy sinh anh dũng trong chiến trận. Stalingrad cũng là 1 trong những thành phố anh hùng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Tòa nhà Pavlov, một chung cư 4 tầng bị oanh tạc nhiều lần bởi bom đạn, nhưng vẫn đứng vững được coi là biểu tượng cho tinh thần không chịu khuất phục của quân và dân thành phố Stalingrad. Trong những thời khắc căng thẳng nhất của cuộc chiến, với chỉ 24 người trấn giữ, tòa nhà vẫn đứng vững trước các đợt tấn công có xe tăng yểm trợ của quân phát xít. Đây được coi điểm trinh sát pháo binh quan trọng của Hồng quân để dội lửa lên đầu quân thù.
Chỉ huy mặt trận phòng thủ Stalingrad, Vasily Chuikov nhận xét, để cố gắng đánh chiếm tòa nhà Pavlov, quân phát xít đã tốn nhiều nhân mạng và công sức hơn cả chiến dịch đánh chiếm thành phố Paris, Pháp.
Một biểu tượng anh hùng khác của thành phố Stalingrad chính là ngọn đồi Mamayev Kurgan. Đây là điểm cao giúp quan sát bao quát toàn bộ thành phố. Chính vì thế cả Hồng quân và quân phát xít đều cố gắng chiếm lấy điểm cao này. Trong suốt cuộc chiến, Hồng quân đã luôn giữ vững ngọn đồi trước các đòn tấn công áp đảo của quân phát xít. Hàng chục ngàn chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống ở đây. Sau chiến tranh, khi cải tạo lại khu vực này, các đơn vị công binh đã phát hiện mỗi mét vuông đất trên đồi chứa hàng nghìn mảnh đạn do bom đạn gây ra.
Chiến lược sai lầm của phát xít Đức
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc quân và dân Xô viết có thể giữ vững được Stalingrad trước lực lượng áp đảo về trang bị và kinh nghiệm chiến đấu chính là do sai lầm về chiến lược của phát xít Đức và phe Trục. Người Đức quá chủ quan với những thành công dễ dàng ở giai đoạn đầu chiến tranh. Quân đội phát xít Đức không dồn tổng lực để đánh chiếm Stalingrad, mà chia làm 2 mặt trận: Vây hãm thành phố và tiến xuống thành phố dầu mỏ Azerbaijan ở Kavkaz.
Sự phân tán lực lượng này khiến quân phát xít không thể tiến hành đồng thời việc vây chặt Stalingrad và vượt qua sông Volga. Thiếu tướng quân đội phát xít Đức, Hans Doerr sau này thừa nhận: "Trận đánh Stalingrad đã thể hiện sai lầm lớn nhất trong lịch sử của các tướng lĩnh quân đội phát xít".
Trong trận chiến Stalingrad, đến tháng 11-1942, các cánh quân phát xít đã bộc lộ điểm yếu nghiêm trọng là các mũi tiến công đi quá nhanh, mặt trận bị kéo dài và hở sườn. Do không có đủ lực lượng, sườn các cánh quân phát xít chỉ được bảo vệ bởi các đội quân phe Trục: Italy, Hungary và Rumania, có năng lực tác chiến và phòng thủ yếu kém. Giới chức quân sự phát xít đã cảnh báo Hitler về nguy cơ có thể bị Hồng quân bọc sườn và bao vây. Tuy nhiên, vấn đề này không được chú ý và phát xít Đức đã phải trả giá.
Cùng với đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội phát xít Đức, tướng Kurt Zeitzler nhận xét, trình độ tác chiến và chỉ huy của Hồng quân đã có những tiến bộ rõ rệt. Vào mùa thu năm 1942, Hồng quân đã tập trung đủ lực lượng chiến đấu và dự bị cần thiết để trong 4 ngày đập tan tuyến phòng thủ bên sườn của phát Đức tại mặt trận Stalingrad. Chiến dịch phản công này đã bao vây, chia cắt hơn 300.000 quân phát xít và phe Trục và giúp Liên Xô giành thế chủ động trong chiến tranh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.