Trận thua oan uổng của sư huynh Lý Tiểu Long

Trần Vũ Thứ bảy, ngày 15/07/2017 08:30 AM (GMT+7)
Những ai tìm hiểu về Vịnh Xuân quyền Hồng Kông, có lẽ không lạ gì cái tên Hoàng Thuần Lương (Wong Shun Leung), người được mệnh danh là “Vua quá thủ”. Ông nổi tiếng là người đã đấu lôi đài và đường phố hàng chục trận bất bại. Nhưng ít người biết ông có một trận đấu bị thua ở phút chót.
Bình luận 0

Câu chuyện này được Lâm Quốc Huy, một người cũng là võ sư Vịnh Xuân, viết trong cuốn sách Bí mật kỹ thuật cước pháp Vịnh Xuân. Tác giả kể rằng: Vào ngày 22.1.1957, Hiệp hội Boxing quốc gia Trung Quốc đã tổ chức giải đấu võ thuật Đài Loan, Hồng Kông và Macau lần đầu tiên tại một sân vận động ở Đài Bắc.

Phía Hồng Kông và Macau có 10 võ sĩ giỏi tham gia cuộc thi do Chan Duk Siu dẫn đầu, mỗi người phải đóng 300 USD cho chi phí chuyến đi. Trong đội này có mặt cả “vua quá thủ” Vịnh Xuân Hoàng Thuần Lương, cao thủ dòng Thái cực Ngô gia Chen Tin Hong, Gap Soo dòng Bắc Thiếu Lâm... Đội cố vấn cho những võ sĩ gồm một tập hợp các đại võ sư như Diệp Vấn của Vịnh Xuân, Mok Yee của Hồng quyền, Lee Chou của Thái Lý Phật. Do cuộc thi có nhiều cao thủ tụ hội như thế nên công chúng đã rất quan tâm theo dõi cuộc thi này.

img

Cuộc thi năm ấy có thể lệ chấm điểm không giống như các cuộc thi trên võ đài ngày nay. Nó quy định rằng: Nếu một đối thủ có thể đánh đối phương gục xuống sàn (nếu khuỷu tay đối phương chưa chạm đất thì không tính là knock down), anh ta sẽ được 3 điểm. Một điều khác quy định, trong một trận đấu 3 phút, người tấn công mạnh hơn và đánh trúng đối thủ nhiều hơn sẽ được 2 điểm. Điều đó có nghĩa là dù một người đã đánh trúng đối thủ bao nhiêu lần thì điểm cũng không bao giờ nhiều bằng việc anh ta đánh ngã đối phương 1 lần. Đối với những người không quen với các kỹ thuật vật, đó là một bất lợi hiển nhiên.

Và trong cuộc thi đấu này, “vua quá thủ” Hoàng Thuần Lương gặp đối thủ là “vua cước pháp” Ngô Minh Triết của Đài Loan. Vào trận, Hoàng Thuần Lương đã tấn công rất dữ dội, nhưng vì đầu và thân của đối phương được giáp bảo vệ nên anh ta không hề sợ hãi. Phút cuối, Hoàng Thuần Lương bị Ngô đánh ngã. Vì thế mà Hoàng Thuần Lương bị kém điểm hơn và bị thua.

Không chỉ riêng Hoàng Thuần Lương thất bại, mà cả đội Hồng Kông năm ấy cũng không được bất kỳ một giải gì. Cả Huy chương vàng, bạc, đồng của giải năm đó đều thuộc về các võ sĩ Đài Loan. Tuy nhiên, các võ sĩ Hồng Kông vẫn tạo được những thành tích đáng kể. Chẳng hạn Cheng Tin Hung, võ sư Thái Cực, đã đánh bại huấn luyện viên võ thuật số 1 của quân đội Đài Loan và đánh bại cả Yu Wen Tung, người 3 lần vô địch Wushu.

img

Sau khi cuộc thi kết thúc, các cảnh quay quá trình thi đấu được ghi vào phim và được làm thành một tài liệu có tên là “Cuộc gặp gỡ của các sư phụ - Một cuộc thi đặc biệt giữa Đài Loan, Hồng Kông và Macau”. Tài liệu này được phát hành ở Hồng Kông vào ngày 12.2.1958. Có người nói rằng Lý Tiểu Long đã không thể tin sư huynh Hoàng Thuần Lương của mình lại thua Ngô Minh Triết ở vòng đầu tiên. Vì vậy Lý Tiểu Long đã xem những cảnh quay để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Theo người bạn của Lý Tiểu Long là đạo diễn Little Kirin, Lý Tiểu Long đã xem đi xem lại đúng 8 lần trong 4 ngày đoạn phim đó trong rạp chiếu phim.

Tuy nhiên tác giả Lâm Quốc Huy cũng nói rằng cuộc đấu năm ấy, phía Đài Loan bị nghi ngờ đã tìm cách sắp xếp để giành chiến thắng. Thứ nhất là không có sự minh bạch trong công tác tổ chức. Các võ sĩ được chỉ định bằng một con số chứ không phải bằng tên gọi của họ nhưng người ta lại không công khai cho mọi người biết trước rằng người nào có số báo danh bao nhiêu. Điều này dẫn đến nhiều người ở phía Hồng Kông nghi ngờ rằng người Đài Loan đã bí mật chuẩn bị ghép đôi các cặp đấu từ trước.

Thứ hai là khi các trận đấu giữa những võ sĩ Hồng Kông với nhau, người ta thấy họ chiến đấu rất thật nhưng trong những trận các võ sĩ Đài Loan gặp nhau, người xem có cảm giác người ta đã quyết định trước ai là kẻ thắng người thua. Thường chỉ với một cú đánh đã phân thắng bại.

img

Tuy vậy, Lâm Quốc Huy vẫn đánh giá: “Bỏ qua những điều gì là đúng và sai trong cuộc thi ở Đài Loan năm đó, tôi cho rằng cuộc thi đã mang lại nhiều lợi ích cho võ thuật Hồng Kông, vì nó cung cấp một cơ hội cho mọi người hiểu rõ hơn về các kỹ thuật và các quy tắc chiến đấu trong 1 khuôn khổ võ đài”.

Trông người lại nghĩ đến ta, hiện nay võ sư Flores đang ở Việt Nam thực hiện một vài trận đấu giao lưu với các võ sư Việt Nam. Đến thời điểm tôi viết bài này, hai võ sư Việt Nam là Đoàn Bảo Châu và Trần Lê Hoài Linh đã thất bại dưới tay Flores. Tuy đây chỉ là những trận đấu cá nhân và kết quả của nó không nói lên rằng võ Việt Nam là thua kém hay một cái gì đó tương tự nhưng trên mạng, dư luận xôn xao, kẻ khen người chê. Có cả những người phát biểu với thái độ cực đoan dân tộc.

Tuy nhiên tôi cho rằng sau khi sự kiện qua đi, cái tốt mà nó để lại cho chúng ta là võ thuật Việt Nam nói chung và từng võ đường nói riêng sẽ có động lực để nhìn lại chính mình và thay đổi, phát triển. Những người học võ cũng sẽ qua dịp này mà gột bỏ được những ảo tưởng rằng học vài tháng hoặc 1 năm là có thể dụng võ vù vù như trong phim.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem