Tranh luận về tội danh tài xế Mercedes truy sát, tông chết người ở TP Phan Thiết

Quang Trung Thứ tư, ngày 18/05/2022 18:33 PM (GMT+7)
Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Giết người" để điều tra tài xế Mercedes truy sát, tông chết người ở TP Phan Thiết. Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý đã đưa ra góc nhìn khác.
Bình luận 0

Phê chuẩn quyết định khởi tố bị can tài xế Mercedes

Liên quan đến vụ tài xế xe Mercedes truy sát, tông chết người tại TP Phan Thiết, chiều 18/5, nguồn tin Dân Việt cho biết: Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Văn Nam (SN 1979, ngụ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về hành vi "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tranh luận về tội danh tài xế Mercedes truy sát, tông chết người ở TP Phan Thiết - Ảnh 1.

Chiều 17/5, VKSND tỉnh Bình Thuận cho biết chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với tài xế Phạm Văn Nam. Ảnh: CACC

Đồng thời, Viện KSND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy, trước khi có thông tin này, dư luận đã có nhiều tranh cãi về tội danh nào dành cho tài xế Phạm Văn Nam mới phù hợp? Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Giết người" để điều tra, tuy nhiên các chuyên gia pháp lý lại đưa ra góc nhìn khác.

Tội danh nào cho tài xế Mercedes mới phù hợp?

Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp luật có thể thấy hành vi của tài xế Nam là hành vi giết người được thực hiện với lỗi cố ý.

Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi lái xe đâm vào nạn nhân là nguy hiểm có thể dẫn đến chết người, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Tuy nhiên, điều cần phân tích là hành vi giết người này phạm vào tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự (BLHS) hay tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 125 BLHS. Bởi mức hình phạt của 2 tội danh này khác nhau rất nhiều.

Clip ghi lại cảnh tài xế xe Mercedes tông chết người lúc rạng sáng ở TP Phan Thiết. 

Đối với tội giết người, mức hình phạt cao nhất là tử hình. Còn tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có mức hình phạt cao nhất theo khoản 2 là 7 năm tù giam (phạm tội đối với 2 người trở lên). Còn khoản 1 là 3 năm tù giam.

Luật sư Hiển cho rằng, qua clip cho thấy nam tài xế đâm chết nạn nhân là do tinh thần bị kích động mạnh bởi một loạt các hành vi của nạn nhân và các đối tượng khác trước đó.

Như vậy, nếu tài xế bị khởi tố về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 BLHS sẽ phù hợp với diễn biến vụ việc hơn.

Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo dõi vụ việc, thấy tài xế Nam có thể đi khỏi hiện trường nhưng người này đã lựa chọn quay lại để dùng xe đe dọa nhóm người và gây hậu quả là khiến một người chết, hành vi này đã cấu thành hành vi tội phạm.

Luật sư Hòe cho rằng, qua clip thấy khó có thể đánh giá đây là hành vi cố ý giết người, mà biểu hiện rõ nét ở hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hiểu là hành vi cố ý gây thương tích cho nạn nhân trong tình trạng không tự chủ, không kiềm chế được hành vi phạm tội của mình do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính người phạm tội được quy định tại Điều 135 BLHS năm 2015.

Mục đích của hành vi phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

Mức phạt của tội danh này cũng nhẹ hơn so với mức phạt của tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS. Khoản 1 của điều luật này có mức phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Khoản 2 là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Việc đánh giá diễn biến hành vi, làm rõ nguyên nhân sự việc, đồng thời xác định nhận thức, ý thức chủ quan của tài xế Phạm Văn Nam là rất quan trọng, bởi đánh giá rõ thì mới xác định chính xác được tội danh để tránh bỏ lọt tội phạm và tránh oan sai" – vị luật sư thông tin.

Bên cạnh đó, các luật sư cũng cho rằng, ngoài việc xử lý tài xế, cần làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người đánh tài xế Nam hay không. Nếu có phải khởi tố, bởi theo thông tin ban đầu và theo lời khai của tài xế, thấy nguồn cơn của sự việc xuất phát từ nhóm người này.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, quy định của pháp luật nêu rõ, xe ôtô và các phương tiện giao thông khác là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông đường bộ, hành vi bất cẩn trong quá trình tham gia giao thông có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Nếu cố ý sử dụng các phương tiện giao thông để gây ra các vụ tai nạn nhằm sát hại người khác, đây là hành vi giết người.

Bởi vậy, ở vụ việc trên, trường hợp kết quả điều tra cho thấy người điều khiển chiếc xe Mercedes có mục đích đâm xe vào nạn nhân, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân có thể tử vong, sẽ bị xác định là lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Hành vi này thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội "Giết người' theo quy định tại Điều 123 BLHS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem